Những năm trở lại đây, các mặt hàng sản xuất trong nước ngày càng được người dân ưu tiên lựa chọn. Có sự thay đổi này, bên cạnh việc nhà sản xuất đã quan tâm hơn về mẫu mã, chất lượng và giá cả còn phải kể đến vai trò của các tiểu thương - lực lượng đã góp phần đưa những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng. Ghi nhận của chúng tôi tại T.P Sông Công.
Dù nằm sâu trong ngõ nhưng Cửa hàng tự chọn của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, xã Vinh Sơn vẫn thu hút một lượng người khá đông. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thủy cho biết: Những năm trước đây, người dân chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ, mẫu mã xấu đẹp ra sao mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam nên khi nhập hàng tôi cũng ưu tiên nhập những sản phẩm trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, cửa hàng của gia đình có đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồ gia dụng với trên 90% hàng xuất xứ Việt Nam như: bánh, kẹo Kinh Đô, Bibica; cà phê Trung Nguyên... Cầm trên tay hộp sữa bột được sản xuất bởi Công ty Nutifood, chị Nguyễn Phương Chi, xóm Vinh Sơn 3 cho hay: Theo tôi thấy, hiện nay, những sản phẩm trong nước chất lượng ngày càng được cải thiện, mẫu mã đa dạng hơn mà giá cả cũng phù hợp với túi tiền nên tôi thường ưu tiên lựa chọn khi có nhu cầu.
Giày dép là một trong những mặt hàng mà mẫu mã luôn thay đổi để theo kịp xu hướng. Vì thế, cách đây 2 năm, trên các kệ hàng bán giày dép của anh Dương Đức Toàn, chủ Cửa hàng giày dép Toàn Vân ở phường Thắng Lợi thường có trên 80% sản phẩm hàng Quảng Châu (Trung Quốc). Nhưng từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đẩy mạnh thì đến nay, trên 70% sản phẩm của cửa hàng có nguồn gốc Made in Việt Nam. Anh Dương Văn Toàn cho biết: Trong quá trình bán hàng, tôi thường tư vấn cho khách các sản phẩm trong nước với ưu điểm nổi bật nhất là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chính sách đổi trả linh hoạt nên nhiều khách hàng đã dần thay đổi thói quen từ dùng hàng Trung Quốc sang dùng các sản phẩm Việt Nam. Hiện, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán ra 30-35 sản phẩm giày dép các loại (trong đó có đến 80% sản phẩm trong nước, tăng trên 50% so với trước đây), doanh thu đạt khoảng 10 triệu đồng.
Qua khảo sát tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn T.P Sông Công, không chỉ giày dép hay các mặt hàng nhu yếu phẩm trong nước được người dân lựa chọn mà tỷ lệ người dùng hàng nội địa ở một số mặt hàng khác cũng tương đối cao. Cụ thể, hàng điện tử, điện lạnh và lương thực thực phẩm chiếm 80%; hàng may mặc chiếm gần 70%... Theo thông tin từ Đội Quản lý thị trường T.P Sông Công, hiện nay trên địa bàn có trên 1.500 hộ kinh doanh nhỏ lẻ với đa dạng các mặt hàng. Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đa số chủ kinh doanh đã ưu tiên nhập những sản phẩm trong nước, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Để người dân được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng, Đội đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa theo quy định. Từ đầu năm đến nay, Đội đã xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ về giá hàng hóa; 5 vụ hàng nhập lậu; 2 vụ hàng giả... với số tiền trên 40 triệu đồng. Qua các đợt ra quân xử lý vi phạm, Đội cũng đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở để các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; bán hàng theo giá niêm yết...
Theo ông Ngô Quảng Bá, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam T.P Sông Công, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành phố đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức (hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi...), tập trung ở khu vực nông thôn và các khu, cụm công nghiệp. Kết quả nổi bật của Cuộc vận động này, ngoài việc thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng hàng Việt thì quan trọng hơn cả là bản thân người bán hàng đã thay đổi nhận thức, tư duy của mình. Điều này thể hiện thông qua việc các tiểu thương đã quan tâm nhiều hơn đến việc nhập các mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, những người ưu tiên lựa chọn hàng Việt chủ yếu là những người có mức thu nhập trung bình - khá. Còn đối với những người có thu nhập thấp thì họ vẫn ưa chuộng những sản phẩm có giá rẻ mà chủ yếu là hàng Trung Quốc, trong khi đó người có thu nhập cao, các mặt hàng về thời trang quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm.... họ lại ưu tiên lựa chọn hàng ngoại nhập. Thực tế này đòi hỏi các nhà sản xuất trong nước cần có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để đưa ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu với từng đối tượng khách hàng.
Việc người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong sản xuất các sản phẩm chất lượng, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành thì tiểu thương cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng. Để có nhiều hơn nữa người dân trên địa bàn sử dụng các sản phẩm trong nước thì các cấp, ngành nói chung, T.P Sông Công nói riêng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa tới người dân thông qua việc tổ chức các hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại… Các nhà sản xuất trong nước cũng cần chú trọng cho ra đời những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh. Mặt khác, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh cũng nên ưu tiên bán hàng hóa trong nước đảm bảo chất lượng, đó cũng là cách giúp nền kinh tế trong nước ổn định, phát triển.