Đa dạng các loại hàng Việt ở vùng cao

09:46, 19/07/2017

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai ngày càng được tiếp cận với nhiều các loại sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý có xuất xứ nội địa. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân vùng cao...

Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở gần chợ Mủng, xã Dân Tiến chia sẻ: Khoảng vài năm trước các loại hàng hóa của Trung Quốc được bày bán rất nhiều tại chợ, với đủ các mặt hàng từ giày dép, quần áo đến hàng gia dụng. Không chỉ gia đình tôi mà đại đa số người dân trong vùng đều sử dụng hàng Trung Quốc. Không biết chất lượng thế nào, nhưng vì giá rẻ nên mọi người vẫn mua. Ngay cả chiếc xe máy là đồ vật có giá trị nhất trong nhà cũng có xuất xứ Trung Quốc... Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hà, là chủ của hàng nông cụ (ở khu chợ Mủng) chia sẻ: Người dân trên địa bàn huyện lảm nông nghiệp nên chủ yếu sử dụng máy nông cụ là hàng “Tàu”, loại này rẻ hơn nhưng dùng chỉ được một thời gian là hỏng hóc, phải sửa chữa liên tục. Bên cạnh tâm lý thích hàng rẻ, cũng có nguyên nhân là hàng Việt cũng được bày bán rất ít, nhiều khi có tiền nhưng không có hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, các tiểu thương đã nhập nhiều loại mặt hàng nội địa để bán, với giá cả cũng không cao hơn mà chất lượng lại đảm bảo...

 

Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn huyện Võ Nhai, như: Đình Cả, Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá, Cúc Đường... chúng tôi thấy, hiện nay, phần lớn các tiểu thương bày bán nhiều sản phẩm có xuất xử nội địa. Sức tiêu dùng các sản phẩm này của người dân rất lớn. Bà Dương Hoàng Anh, chủ cửa hàng chuyên bán các sản phẩm về sữa tại thị trấn Đình Cả chia sẻ: Hiện tại, cửa hàng của gia đình tôi bán chủ yếu là sữa nội, như: Vinamilk, Mộc Châu, Ba Vì. Các loại mặt hàng này đều bán chạy, bởi ngoài chất lượng, xuất xứ rõ ràng còn có giá cả phải hợp lý, phù hợp với túi tiền của người dân. Còn trước đây, bán sữa ngoại rất ít người mua vì giá cao... Cầm trên tay hộp sữa bột của dành cho trẻ em của Công ty Vinamilk. Chị Hoàng Thị Thảo ở phố Thái Long, thị trấn Đình Cả cho biết: Trước đây, tôi hay dùng sữa ngoại, nhưng chẳng biết sản phẩm có chất lượng hay không mà giá cả cao hơn nhiều. Vì vậy, tôi quyết định mua sản phẩm sữa Vinamilk vì giá hợp lý, chất lượng đảm bảo và sữa nội địa cũng có nhiều sản phẩm để mình lựa chọn...

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai có chợ thị trấn Đình Cả họp thường xuyên, với quy mô trên 90 hộ đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, có 9/15 xã có họp chợ theo phiên và trên 500 hàng cửa hàng lớn nhỏ tại 15 xã, thị trấn bày bán hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện, có gần 80% các sản phẩm ở các lĩnh vực thời trang, điện tử, đồ gia dụng, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đều là hàng có xuất xứ trong nước như... Những sản phẩm này đều đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, không thua kém với hàng xuất xứ nước ngoài nên được người tiêu dùng lựa chọn.

 

Ông Ngô Việt Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Trong những năm gần đây, tỷ lệ các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ngày càng chiếm thị phần cao trong dịch vụ thương mại tại huyện. Qua đó, có thể thấy nhu cầu cũng như mức độ tin dùng hàng Việt của người dân trên điạ bàn huyện ngày càng lớn. Tuy nhiên, ở nhưng vùng sâu, vùng xa, người dân nhận thức vẫn còn hạn chế nên cứ thấy hàng rẻ là mua mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ngành của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở những vùng còn nhiều khó khăn...

 

Hiện nay, các cấp chính quyền huyện Võ Nhai đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn trong việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa nội địa. Đặc biệt, qua 2 đợt thực hiện Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” do Sở Công Thương và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh phối hợp với huyện Võ Nhai tổ chức (Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại xã Bình Long và năm 2015 và năm 2017, tổ chức tại xã Thượng Nung) đã thu hút đông đảo người dân tham quan mua hàng, tạo điều kiện để người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh để của các doanh nghiệp.