Giá rau xanh tăng do thiếu nguồn cung

10:55, 14/07/2017

Mưa liên tục trong nhiều ngày qua đã khiến phần lớn diện tích rau xanh ở các vùng rau trong tỉnh bị chết hoặc không phát triển được, nguồn cung ra ngoài thị trường khan hiếm hơn. Do đó, giá bán rau xanh tại các chợ hiện cao hơn nhiều so với hơn một tháng trở về trước.

Chị Lê Thị Ngát, tiểu thương bán rau ở Chợ Thái cho biết: Tôi chủ yếu nhập rau của các hộ dân ở các xã, phường: Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ), Túc Duyên, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên). Do mưa liên tục gần một tháng nay nên hầu hết rau xanh ở các vùng rau này đều bị chết hoặc không phát triển được. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng của người dân vẫn cao khiến cho nguồn cung ngày càng bị khan hiếm. Do vậy, giá các loại rau mà chúng tôi nhập vào đều tăng khá cao so với tháng trước. Cụ thể, rau muống tăng từ 4.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ, rau mồng tơi tăng từ 3.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ; rau ngót tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ; mướp đắng tăng từ 5.000 đồng lên 10.000 đến 12.000 đồng/kg; bí xanh tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số loại rau, củ quả nhập từ Hà Nội, Hải Dương và Sa Pa cũng tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg so với tháng trước....

 

Khảo sát giá bán rau xanh ở các chợ khác trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Túc Duyên, Đồng Quang..., chúng tôi nhận thấy giá bán của hầu hết các loại rau xanh cũng tăng từ 30 đến 50%. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các tiểu thương đều cho rằng là do mưa liên tục. Nếu trời vẫn mưa kéo dài thì giá bán các loại rau xanh sẽ còn tiếp tục tăng. Không chỉ có vậy, chất lượng các loại rau cũng kém hơn trước đây. Bà Bùi Thị Tuyết, chủ quán cơm bình dân Tuyết Cảnh, ở tổ dân phố số 23, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Những ngày qua, giá các loại rau xanh tăng mạnh so với hơn 1 tháng trở về trước mà chất lượng cũng kém hơn rất nhiều. Một số loại rau như: rau muống, rau cải, mướp thường bị nẫu, phải bỏ đi rất nhiều trong quá trình sơ chế. Cho nên, thay vì mua các loại rau này, tôi đã nhập về 1 tấn bí đỏ, chế biến thành các món ăn khác nhau, được thực khách yêu thích.

 

Đi thực tế tại một số vùng rau các xã, phường: Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ), Đồng Bẩm, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), chúng tôi nhận thấy hầu hết ruộng mồng tơi đều bị táp lá, không nẩy ngọn được. Tương tự, ruộng mướp đắng bị đỏ gốc và chết. Các loại rau khác như: rau muống, rau húng, rau đay cũng phát triển rất chậm. Chị Đỗ Thị Huyền ở xóm Dân Tiến, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Hiện, gia đình tôi trồng 1 sào mồng tơi và 1 sào rau húng. Vào thời điểm không mưa nhiều, 1 sào mồng tơi của gia đình cho thu hái hằng ngày với gần trăm mớ. Thế nhưng, thời gian qua, mưa liên tục trong nhiều ngày khiến mồng tơi bị táp lá, phải 6-7 ngày mới được thu hái, mỗi lần hái chỉ được khoảng 20 mớ... Bà Bùi Thị Hiếu, một hộ trồng rau ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Do mưa nhiều ngày, không bón được phân, rau muống chậm phát triển nên thời gian giữa 2 đợt hái phải cách nhau 30 ngày, lâu hơn 10 ngày so với tháng trước. Các loại rau khác như: rau đay, rau ngót, rau húng cũng tương tự.

 

Cùng với việc giá cả các loại rau tăng cao, người mua cũng lo ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm. Bởi, với thời tiết bất lợi như hiện nay, người trồng rau xanh rất dễ lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để duy trì sự sinh trưởng của rau, trong đó không loại trừ các loại thuốc kích thích phát triển nhanh. Nếu người trồng rau không tuân thủ quy định về thời gian thu hoạch thì người mua sẽ phải sử dụng sản phẩm không an toàn, có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.