Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng chiếm ưu thế

15:56, 24/07/2017

Là tỉnh nằm cách biên giới Việt - Trung không xa nên hơn 20 năm qua, người dân Thái Nguyên đã quen với việc sử dụng các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất từ đồ may mặc, điện tử đến gốm sứ… Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thay vì sử dụng các mặt hàng gốm sứ có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh đã tin tưởng sử dụng các sản phẩm do làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) sản xuất.

Nếu như hơn chục năm trước, làng gốm sứ Bát Tràng chủ yếu cung cấp cho thị trường Thái Nguyên đồ thờ gồm chân đèn, lư hương, bình hoa, thì nay, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, nhiều đồ gia dụng của làng gốm nổi tiếng này đã được bày bán tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngoài việc sản xuất đồ gốm gia dụng, các loại gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp đã dần được làng nghề sản xuất nhiều hơn để cung cấp cho thị trường trong nước, trong đó có Thái Nguyên. Bà Hoàng Thùy Dương, tổ dân phố số 10, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Toàn bộ bát, đĩa gia đình tôi đang sử dụng là sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Tôi thấy các sản phẩm của làng gốm này có mẫu mã đa dạng, chất lượng khá tốt. Màu men của các sản phẩm đều sáng bóng, mịn, đẹp.

 

Theo nhận định của nhiều người dân trong tỉnh, sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng hút khách còn bởi giá các mặt hàng rất phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Chị Lê Hồng Khanh ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Giá bán các loại bát do làng nghề gốm sứ Bát Tràng rẻ hơn 1/3 so với Trung Quốc sản xuất. Các mẫu hoa văn trang trí trên các loại bát đĩa cũng rất đẹp, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Các loại lọ hoa cũng có giá rất hấp dẫn. Chỉ cần bỏ ra từ 50.000 đến 100.000 đồng là tôi có thể mua được lọ hoa các loại rất đẹp…

 

Còn anh Nguyễn Văn Mạnh, xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) thì cho rằng đồ giả cổ của Bát Tràng rẻ hơn đồ gốm sứ Giang Tây (Trung Quốc) rất nhiều. Đơn cử như một đôi lọ lộc bình vẽ cảnh sơn thủy hữu tình của Bát Tràng trông rất đẹp, trang trí khá tinh xảo chỉ có giá hơn 3 triệu đồng, trong khi của Trung Quốc có giá hơn 10 triệu đồng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến người Thái Nguyên ưu tiên sử dụng sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng còn bởi họ tin tưởng vào sự an toàn của các sản phẩm. Chị Lý Thị Tình, thị trấn Đu (Phú Lương) nói: Tôi không dám sử dụng bát, đĩa, ấm, chén do Trung Quốc sản xuất vì lo trong sản phẩm có chứa một lượng chì lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, tôi thường sử dụng đồ gốm gia dụng của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Qua tìm hiểu tôi thấy sản phẩm được làm từ cao lanh, đá trường thạch, đất sét trắng nên không gây hại cho người sử dụng.

 

Niềm tin của người tiêu dùng Thái Nguyên đối với sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng càng được thể hiện rõ hơn khi trong trong những ngày diễn ra Chương trình Đưa hàng Việt về miền núi năm 2017 ( từ ngày 6 đến 20-6) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) tổ chức tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa); Vô Tranh (Phú Lương); Thượng Nung (Võ Nhai); Tân Khánh (Phú Bình), các sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng bán rất chạy. Chị Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại  cho biết: Trong 2 tuần diễn ra Chương trình, đây là mặt hàng có doanh thu cao nhất, lên đến 180 triệu đồng. Chúng tôi rất vui khi sản phẩm sản xuất trong nước ngày càng được người tiêu dùng Thái Nguyên ưa chuộng. Thực tế này giúp cho các doanh nghiệp trong nước duy trì được sản xuất, kinh doanh, giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

 

Rõ ràng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không còn bị “lép vế” ở một tỉnh gần biên giới Việt – Trung như Thái Nguyên – nơi mà bao năm qua, các loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất luôn tràn ngập ở cả thi trường nông thôn và thành thị. Chính nhờ sự cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đã giúp mặt hàng này ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

Tuy nhiên, để không nhầm lẫn, mua phải hàng gốm sứ kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ do Trung Quốc sản xuất, người tiêu dùng Thái Nguyên cần cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm bằng cách mua hàng ở những cửa hàng kinh doanh có uy tín trên địa bàn tỉnh…