Hiệu quả từ những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

11:18, 09/08/2017

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và UBND các huyện: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình tổ chức thành công 4 chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi”.

Chương trình đã thu hút được 108 doanh nghiệp tham gia với doanh thu ước đạt 1,7 tỷ đồng. Khách đến tham quan, mua sắm khoảng 22.000 lượt người. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã xác nhận cho Hội hàng Việt Nam chất lượng cao thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Ninh phối hợp với UBND huyện Đồng Hỷ và Đại Từ tổ chức 2 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hai chương trình này cũng đã thu hút 60 doanh nghiệp tham gia bày bán sản phẩm với doanh thu ước đạt 700 triệu đồng, thu hút khoảng 9.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

 

Phải khẳng định rằng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nông thôn, giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt của người dân. Mặt khác, thông qua chương trình giúp người tiêu dùng lựa chọn và ngày càng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng.

 

Được tham quan, mua hàng tại Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại Phiên chợ diễn ra tại phố Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chúng tôi thấy với gần 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm đều là hàng sản xuất trong nước với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả ổn định như: đồ điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, đồ uống, hàng may mặc thời trang, da giày, điện tử viễn thông, giống cây trồng… Phiên chợ này đã thu hút khá đông người đến mua sắm, đặc biệt là chị em phụ nữ. Gặp bà Nguyễn Thị Cúc, xóm Kèo Hái, xã Hoàng Nông đến mua sắm tại phiên chợ, bà cho biết: Giờ đây, nghe nói nhiều về hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không nhãn mác, nhiều loại bị nhiễm độc, gây hại cho sức khỏe con người, nên chúng tôi cũng phải cẩn trọng khi lựa chọn mua hàng. Để đảm bảo an toàn thì hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, địa chỉ nhà sản xuất là yên tâm nhất. Trong khi đó, qua xem xét tất cả các mặt hàng được bày bán tái phiên chợ, tôi thấy kiểu dáng, mẫu mã của hàng hóa sản xuất trong nước cũng rất đẹp mắt, giá cả phải chăng nên đã tin mua rất nhiều sản phẩm về cho gia đình sử dụng.

 

Không riêng Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại Đại Từ, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư cho biết: Đối với tất cả các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đều tập trung vào các mặt thiết yếu như: thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, mẫu mã đa dạng… phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân vùng nông thôn. Các phiên chợ đều đã đạt được thành công nhất định. Để đạt được thành công này, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu về hàng hóa và thu nhập của từng vùng, từ đó tiến hành chiêu thương, mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Các doanh nghiệp tham gia phiên chợ cũng được hỗ trợ về chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng, vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh…

 

Với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, hàng Việt đã được người dân các vùng nông thôn ưa chuộng. Thành công của việc tổ chức các phiên chợ này không phải chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng như mong đợi mà quan trọng hơn là dần dần làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó có thêm thông tin để so sánh đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là, sau khi các phiên chợ này kết thúc, các doanh nghiệp rút về thì nhiều người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa lại gặp khó khăn trong việc mua hàng Việt. Bởi lẽ, hiện nay các điểm bán hàng Việt Nam rất ít. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần mở các điểm bán hàng cố định tại vùng nông thôn để tạo điều kiện cho người dân mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam được dễ dàng, tỉnh cũng nên có cơ chế hỗ trợ các điểm chuyên bán hàng Việt Nam để khuyến khích mở rộng mạng lưới bán hàng Việt. Từ đó, kéo gần hơn khoảng cách giữa nhà sản xuất với người sử dụng, mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.