5 năm ra mắt thương hiệu thời trang riêng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG đã phát triển chuỗi 60 cửa hàng, đại lý bán lẻ trên toàn quốc. Dự kiến, TNG sẽ tăng số cửa hàng, đại lý bán lẻ lên trên 500 vào năm 2021 và phát triển TNG thành thương hiệu thời trang quốc tế vào năm 2025, đồng thời hưởng trọn vẹn chuỗi lợi nhuận thay vì các hợp đồng gia công vốn có biên lợi nhuận rất thấp trong chuỗi lợi nhuận của mặt hàng thời trang.
Được biết đến là một trong 10 doanh nghiệp may mặc lớn nhất Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG đang tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may Việt Nam lâu nay vẫn mang nặng dấu ấn gia công với biên lợi nhuận thấp và TNG không nằm ngoài dấu ấn này.
Thực trạng này khiến TNG luôn trăn trở về việc tạo ra giá trị lợi nhuận cao hơn. Nhưng để TNG sản xuất ra sản phẩm 100% hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan thì không hề đơn giản. Thay vì ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với các hãng nổi tiếng trên thế giới như một số doanh nghiệp may mặc khác đã từng làm, TNG quyết định tự thiết kế và xây dựng thương hiệu riêng.
Năm 2012, TNG đầu tư hàng trăm tỷ xây dựng Chi nhánh thời trang TNG với nhiệm vụ: Thiết kế, nghiên cứu thị trường, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu TNG. TNG cũng đầu tư riêng cho Chi nhánh Thời trang TNG một tòa nhà bề thế nằm giữa trung tâm T.P Thái Nguyên. “Đại bản doanh” này là nơi làm việc của khoảng 300 nhân viên tham gia vào đầy đủ 4 quy trình: Thiết kế, nghiên cứu thị trường, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đây, toàn bộ sản phẩm thương hiệu TNG sẽ đến tay người tiêu dùng cả nước qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ rộng khắp toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, việc TNG phát triển thời trang thương hiệu riêng không hề ảnh hưởng tới mảng gia công của công ty bởi vì đây là hai việc làm song song. Định hướng chiến lược của TNG nhiều năm nay vẫn là xây dựng thương hiệu riêng để hưởng trọn lợi nhuận từ chuỗi giá trị đặc biệt là kết tinh từ 4 khâu chính là thiết kế, nghiên cứu thị trường, sản xuất, tiêu thụ. Bất cứ công ty may mặc nào muốn lợi nhuận cao thì phải làm đủ 4 công đoạn trong đó giá trị cao nhất là công đoạn thiết kế. Đây là công đoạn không tốn nhân công lao động nhưng kết tinh giá trị rất cao. Chính vì vậy, TNG sử dụng một phần lợi nhuận có được từ gia công may mặc để đầu tư cho thương hiệu thời trang.
Dù đã đầu tư rất mạnh và qua 5 năm phát triển nhưng theo ông Thời, các sản phẩm thời trang thương hiệu TNG hiện gần như chưa có lợi nhuận. “Chúng tôi coi thời trang như một dự án khởi nghiệp. Vì vậy, TNG đang đi theo một lối hoàn toàn khác với phần đa các doanh nghiệp may mặc nội địa hiện nay. Chúng tôi đầu tư rất lớn vào phát triển thương hiệu thời trang của mình. TNG đang thực hiện những bước đi chậm nhưng chắc, không vội vàng, nôn nóng. Hiện, chúng tôi vẫn đang đầu tư rất lớn vào mở rộng chuỗi phân phối sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Tính trung bình, mỗi cửa hàng đi vào hoạt động, TNG chi khoảng 2 tỷ đồng cho riêng phần thi công cửa hàng. Hiện giờ, Công ty mẹ đang hoạt động mạnh trên lĩnh vực gia công may mặc để nuôi công ty con. Tuy nhiên, theo dự tính, khi đi vào ổn định khoảng đầu năm 2018, thương hiệu thời trang TNG sẽ đem về lợi nhuận cho công ty mẹ” - ông Thời cho biết.
Đối với thị trường bán lẻ trong nước, thương hiệu thời trang TNG vẫn còn chưa được biết đến rộng khắp, nhưng TNG đã thành công khi phủ sóng hệ thống đại lý và cửa hàng TNG khắp các tỉnh, thành, kéo dài từ Lạng Sơn cho tới Kiên Giang. Tại Hà Nội, một loạt hệ thống cửa hàng của TNG đã mở ra ở những vị trí thuận tiện cho việc thu hút người tiêu dùng nhất như tại các trung tâm thương mại: Time City, Royal City, Savico Long Biên, cửa hàng Nguyễn Văn Cừ. Tính đến nay, TNG đã có 60 cửa hàng thời trang tại hầu hết các tỉnh thành trong nước. Cửa hàng TNG Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) là một trong những cửa hàng đầu tiên của TNG có mức tiêu thụ khá trong toàn hệ thống bán lẻ. Mỗi tháng, có hàng ngàn sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua cửa hàng này.
Được biết, để mở rộng độ phủ sáng hệ thống đại lý và cửa hàng, TNG đặt mục tiêu đến hết 2018 sẽ phát triển lên tổng số 100 cửa hàng trên tất cả các tỉnh, thành cả nước và đến 2021 phát triển lên trên 500 cửa hàng, đại lý bán lẻ phủ 80% các quận, huyện trên toàn quốc. Cùng với đó, TNG đang từng bước tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới. TNG đã thành lập chi nhánh tại Mỹ để từng bước thiết lập cơ sở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng thời trang TNG “Made in Vietnam” vào những thị trường tiềm năng như Mỹ, EU. Bên cạnh đó, từ năm 2017, TNG đã hợp tác với hệ thống bán lẻ thời trang Robin của Thái Lan để đưa sản phẩm thương hiệu TNG bán trong chuỗi các cửa hàng Robin ở Việt Nam sau đó sẽ tiến vào thị trường Thái Lan và các nước Đông Nam Á có sự hiện diện của Robin. TNG đặt mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu thời trang TNG quốc tế vào năm 2025 với định hướng phát triển toàn bộ 230 chuyền may với khoảng 15 nghìn công nhân sản xuất chuyên các sản phẩm thời trang TNG và đem về doanh thu kỳ vọng lên đến 5 nghìn tỷ đồng/năm.