Thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (theo Quyết định 177 của Thủ tướng Chính phủ) và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (tại Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5-RON92 và xăng khoáng RON 95 trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học - giải pháp phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10, các doanh nghiệp khẳng định đủ nguồn cung ứng xăng E5. Chất lượng xăng E5 cũng được các cơ quan chức năng cam kết đảm bảo. Vấn đề còn lại là làm tốt công tác tuyên truyền và có cơ chế phù hợp để xăng E5 đủ sức cạnh tranh.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, để thực hiện đúng lộ trình loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng bằng xăng sinh học, nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ, bởi chi phí cho những thay đổi về cơ sở vật chất, bồn bể, trạm phối trộn… là một con số đáng kể.
Thêm vào đó, đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang nhập xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục họ chuyển qua bán xăng sinh học đang gặp khó khăn bởi tâm lý lo ngại xăng sinh học hao hụt nhiều hơn xăng khoáng truyền thống.
“Hiện người tiêu dùng cũng chưa thật sự mặn mà với loại xăng E5 khi tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Việc thay đổi nhận thức và tập quán sử dụng của người tiêu dùng với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng RON92 không đủ sức thu hút họ”, ông Ruệ nói.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM – một trong những thành phố đi đầu trong việc triển khai kinh doanh xăng E5, cũng cho hay, đến ngày 31/8, thành phố đã có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỷ lệ 45%), sản lượng tiêu thụ bình quân chỉ đạt hơn 8.000 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố, giảm 3,3% so với thời điểm tháng 10/2016.
Việc sản lượng tiêu thụ có chiều hướng giảm do người tiêu dùng không chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5. Đồng thời chênh lệch giữa giá bán xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 là 270 đồng/lít, không hấp dẫn người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, lo ngại về giá nguyên liệu không giữ được sự ổn định, tác động đến giá xăng. Tại Việt Nam, giá sắn từ chỗ chỉ khoảng 1.500 – 1.700 đồng/kg, từ khi nhà máy sản xuất ethanol đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã lên đến 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 4.500 – 5.000 đồng/kg.
“Khi các nhà máy sản xuất Ethanol đều đi vào hoạt động, nhu cầu nguyên liệu tăng cao liệu giá sắn có giữ được sự ổn định? Cùng với đó, xăng sinh học không có nhiều nguồn cung cấp như xăng khoáng, liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến cho người tiêu dùng bị thiệt?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Theo các ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, để triển khai đúng lộ trình thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5, ngoài câu chuyện hỗ trợ từ phía nhà nước cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, đại lý triển khai phân phối, cùng sự chủ động từ phía các doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn cung Ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn.
Đặc biệt, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa lợi ích, hiệu quả của xăng sinh học để tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, nhất là khu vực đô thị, thành phố lớn, nơi có tỷ lệ sử dụng nhiên liệu cao./.