Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các trường hợp hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phanh phui. Đây cũng là thực trạng chung đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đe dọa đến lợi ích của nhà sản xuất, nhà kinh doanh, hàng giả, hàng nhái đang gây hoang mang cho nhiều người tiêu dùng.
9 tháng đầu năm 2017, Đội Quản lý thị trường (QLTT) T.P Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra gần 750 trường hợp, trong đó, Đội đã xử lý trên 50 vụ hàng giả. Hàng bị tịch thu gồm: Giày, quần áo thể thao; đồng hồ đeo tay; bột ngọt; phụ tùng xe máy… Tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa trên 550 triệu đồng. Phần lớn các vụ vi phạm đều là làm giả hàng hóa theo các thương hiệu nổi tiếng như: Casio, Nike, Lacoste, Ajnomoto… Cụ thể, ngày 7-7-2017, Đội QLTT đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng Trần Lan, số 582, đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên), buộc tiêu hủy 60 tem xe máy hiệu Honda, tịch thu 72 chi tiết phụ tùng xe máy. Trước đó, cuối tháng 6, Đội đã kiểm tra nhà của đối tượng Hà Mạnh Duy, tổ 16, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) và tịch thu trên 100 chiếc đồng hồ giả nhãn hiệu Casio với tổng trị giá gần 30 triệu đồng.
Đó chỉ là số ít trong rất nhiều những vụ làm giả, nhái sản phẩm có chất lượng đang diễn ra trên thị trường đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Trên thực tế, dạo quanh 1 số tuyến đường trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng, Quang Trung..., đặc biệt là các tuyến đường tập trung các trường đại học, cao đẳng không khó để tìm mua các mặt hàng quần áo, giày dép thương hiệu Adidas, Zara... với giá siêu rẻ, từ vài chục đến 100, 200 nghìn đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đình Dũng, Đội trưởng Đội QLTT T.P Thái Nguyên, cho biết: Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường chúng tôi thấy rằng, hiện nay các phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, như: Áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm người tiêu dùng và cơ quan quản lý khó phát hiện thật - giả. Đặc biệt, hàng giả không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài. Bên cạnh làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thì những năm gần đây, trên thị trường còn xuất hiện hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam như bột giặt, mỳ chính, phân bón, mỹ phẩm… Thị trường tiêu thụ thường tập trung vào địa bàn các chợ nông thôn, nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển hay những nơi tập trung đông sinh viên…
Những ngày qua, câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp made in China” của một thương hiệu nổi tiếng trong nước đã khiến dư luận “dậy sóng”. Và, sự việc của Khaisilk cũng không phải là hãn hữu, bởi trong thời gian qua, tình trạng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiểm. Những sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng nào và phổ biến từ cao cấp đến bình dân. Anh Dương Văn Hiếu, kiểm soát viên Đội QLTT T.P Thái Nguyên, nhớ lại: Cách đây không lâu, Tổ kiểm soát của chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đối tượng Vũ Văn Hải (Khoái Châu, Hưng Yên), Trần Văn Châu và Nguyễn Thế Lượng (Phú Thịnh, Đại Từ) vì lý do cung cấp các sản phẩm bóng đèn Rạng Đông giả mạo. Tại thời điểm kiểm tra, Tổ đã tịch thu trên 850 bóng đèn với tổng trị giá hàng hóa gần 30 triệu đồng, đồng thời, phạt tiền với mức là gần 20 triệu đồng. Không chỉ có bóng đèn Rạng Đông bị làm giả mà năm 2014, Đội QLTT T.P Thái Nguyên cũng tiến hành kiểm tra, rà soát và tịch thu trên 1.200 chiếc bút bi giả nhãn hiệu Thiên Long, trị giá hàng hóa gần 5 triệu đồng…
Trong khi các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước đang từng bước xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì những hành vi giả mạo hàng hóa đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu và thị phần của các doanh nghiệp này. Về phía người tiêu dùng sẽ xuất hiện tâm lý e ngại, dè chừng với chính những sản phẩm chính hãng. Chị Trần Kiều Trang, tổ 1, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi thường xuyên mua và sử dụng bát đĩa, bình hoa được sản xuất ở Bát Tràng hoặc do Công ty gốm sứ Minh Long sản xuất. Tuy nhiên, gần đây tôi có nghe nói các sản phẩm này bị làm giả khá nhiều trên thị trường, mắt thường khó phát hiện nên cũng khá hoang mang, bởi giá các sản phẩm này thường gấp 3-4 lần so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ Trung Quốc. Liệu rằng bỏ ra số tiền lớn như vậy có nhận được sản phẩm với chất lượng tương xứng?
Theo các lực lượng chức năng, để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ngoài thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm thì sự thiếu hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa với các cơ quan chức năng cũng gián tiếp khiến cho tình trạng này diễn ra phổ biến. Ông Tạ Đình Dũng thông tin thêm: Phần lớn các đơn vị sản xuất nhỏ đều không có lực lượng, kinh phí cho công tác phòng chống hàng giả nên việc phòng vệ gần như không có. Thêm vào đó, họ cũng e ngại thông tin cho cơ quan chức năng hay các phương tiện thông tin đại chúng, sợ rằng người tiêu dùng tránh hàng giả, vô tình cũng “tránh” luôn hàng thật. Việc thiếu cơ sở, thông tin từ phía nhà sản xuất gây khó khăn cho chúng tôi trong việc phát hiện, đối chiếu hàng hóa.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán bởi hàng hoá lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân tăng cao. Do vậy, để góp phần kiểm soát, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội QLTT T.P Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, nắm bắt địa bàn và khai thác nguồn thông tin theo khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng về các đối tượng vận chuyển, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống buôn bán vận chuyển kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; tập trung xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về hàng hóa, đồng thời, mua hàng tại những cơ sở uy tín, đã được kiểm định về chất lượng…