Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLLT), 11 tháng năm 2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 110 vụ hàng giả, tăng 31% so với cùng kỳ; tình trạng vi phạm ghi nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu của các hãng có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường ngày càng phức tạp, tinh vi.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã thường xuyên gắn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với tuyên truyền pháp luật kinh doanh; tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả; đi đôi với đó là xử lý nghiêm các vụ vi phạm, song tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó tình trạng vi phạm ghi nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu của các hãng có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường có xu hướng tăng.
11 tháng của năm 2017, chỉ tính riêng lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 110 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó phải kể đến hai vụ lớn, đó là, ngày 13-1-2017, Đội QLTT T.X Phổ Yên phối hợp với Công an thị xã kiểm tra, phát hiện ô tô tải, biển kiểm soát 29C-244.89 do Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1990, trú tại xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) cùng Trương Văn Công, sinh năm 1988, trú tại xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) là phụ xe đến giao mứt Tết tại quầy bán hàng tạp hóa của bà Đặng Thị Kim Xuân ở xóm Giếng, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên). Qua kiểm tra, Nguyễn Tuấn Anh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Tổ công tác đã tạm giữ 501 hộp mứt các loại. Quá trình điều tra, Công an T.X Phổ Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm xã hội về Kinh tế - Chức vụ, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh kẹo của ông Quách Hữu Hùng tại xóm Bình Định 3, Bình Sơn (T.P Sông Công). Ông Hùng đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Công an 772 hộp mứt các loại và toàn bộ nguyên liệu, bao bì còn lại.
Hoặc vụ sản xuất nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư do lực lượng Công an phối hợp với Đội Cơ động QLTT tỉnh kiểm tra đột xuất tại cơ sở của ông Đỗ Tiến Chính, sinh năm 1968, trú tại Chợ Đồn, xã Kha Sơn, Phú Bình đang vận chuyển 330 chai giả nhãn hiệu nước mắm Nam Ngư vào ngày 27-12-2016. Lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 26 chai nước mắm đã đóng thành phẩm giả nhãn hiệu nước mắm Nam Ngư; 1.820 lít nước mắm nguyên liệu cùng một số dụng cụ khác dùng để sản xuất hàng nước mắm giả. Hiện nay, hai vụ việc trên đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 15-12-2011, là cơ sở quan trọng để chúng ta đối phó với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và các tổ chức xã hội thì trước hết, nhà sản xuất cần phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý khi sản phẩm của mình bị sản xuất giả; người tiêu dùng cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý khi mua phải hàng giả”. |
T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công là nơi tập trung đông dân cư nên nhu cầu mua sắm của người dân rất cao. Song đây cũng là thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác QLTT, bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì đông; đội ngũ kiểm soát viên thì quá ít. Vì vậy, người kinh doanh vẫn có thể trà trộn giữa hàng giả với hàng thật nhất là ở nơi vùng nông thôn khuất nẻo. Ông Nhữ Văn Tiến, Đội trưởng Đội QLTT T.X Phổ Yên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị xã phát hiện 11 vụ hàng giả, tăng 37,5% so với cùng kỳ; 34 vụ vi phạm ghi nhãn hàng hóa, tăng so với cùng kỳ 21% so với cùng kỳ. Trong đó các mặt hàng chủ yếu là: bóng đèn compact Rạng Đông, quần áo may sẵn giả nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng, mì chính Ajinomoto”.
Còn ở địa bàn T.P Thái Nguyên, ông Tạ Đình Dũng, Đội trưởng Đội QLTT thành phố cho biết: Do làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn nên tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả đã hạn chế, song hoạt động tinh vi, khó phát hiện hơn. Từ đầu năm đến nay, Đội đã phát hiện 31 vụ hàng giả, tăng so với cùng kỳ 13% (chủ yếu quần áo, giầy thể thao, đồng hồ đeo tay, mì chính, phụ tùng xe máy); 132 vụ vi phạm ghi nhãn hàng hóa, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,8%.
Do các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nên hàng giả không còn bày bán ngang nhiên, song vẫn bị trà trộn ở khắp các thị trường từ thành thị đến nông thôn, từ các địa bàn trung tâm đến miền núi, vùng cao. Đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng cao, địa bàn nông thôn thì mức độ nhiều hơn đã gây không ít thách thức cho các nhà quản lý. Các sản phẩm giả bị sản xuất, kinh doanh chủ yếu là đồ điện lạnh, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; lương thực thực phẩm; quần áo, giày dép…Trong đó, nhiều nhất vẫn là những sản phẩm quần áo, giày dép có thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng như: Hãng Calvin Klein, Nike, Adidas, Gucci, Puma, Converse; hãng mỳ chính Ajinomoto.
Các sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, khó phân biệt với hàng chính hãng. Bởi qua công tác phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, các đối tượng đều có phương thức, thủ đoạn tinh vi và tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối; đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Nếu ai mua phải hàng giả, nhẹ thì thiệt hại về kinh tế vì giá cả giữa hàng giả và hàng thật rất cách xa nhau. Nếu mức độ thiệt hại nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng và doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả. Tuy nhiên, để nhận biết và xử lý một vụ hàng giả là rất phức tạp. Theo ông Nhữ Văn Tiến, Đội trưởng Đội QLTT thị xã Phổ Yên: “Để phát hiện được một vụ vi phạm hàng giả đã khó vì hầu như phải phân biệt bằng mắt thường, muốn xác định chính xác lại phải đi giám định mất nhiều thời gian, nhanh cũng mất một tuần, chậm cũng mất hàng tháng”. Bên cạnh đó, chế tài xử lý một số hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp cung cấp thông tin về hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, chưa thường xuyên dẫn đến công tác kiểm tra, xử lý hàng giả còn nhiều khó khăn.
Để nhận biết hàng thật hàng giả, tại các hội chợ thương mại, cơ quan QLTT đều có gian hàng triển lãm trưng bày các sản phẩm thật, giả để giới thiệu, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả.Tích cực phối hợp với một số nhà sản xuất thuộc các hãng: Honda, Nike, Converse, Adidas, Gucci, hãng mỳ chính Ajinomoto... giúp cho đội ngũ kiểm soát viên nhận biết những dấu hiệu đặc định của sản phẩm phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Song, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm thì đòi hỏi mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, có kiến thức để nhận biết hàng hóa, tránh mua phải hàng giả.