Năm 2012, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh được thành lập với chức năng bảo vệ quyền lợi của hội viên; tiếp nhận yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng khi quyền lợi bị xâm phạm; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng và cơ sở sản xuất kinh doanh… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, Hội đã phát huy tốt vai trò là một tổ chức xã hội đại diện cho người tiêu dùng, góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nhiệm kỳ 2012-2017, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có 85 hội viên, trong đó 22 hội viên tập thể là các đơn vị, doanh nghiệp và 63 hội viên cá nhân. Từ khi thành lập đến nay, Hội luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, triển khai các hoạt động có hiệu quả. Một trong những hoạt động trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ qua là Hội luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (NTD) và các doanh nghiệp. Từ đó, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và doanh nghiệp các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động “Vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng”… Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương, Chi cục quản lý thị trường (QLTT), Ban Chỉ đạo 389 từ tỉnh đến các huyện, thành, thị mở chuyên mục, tổ chức hội thảo để tuyên truyền Luật BVQLNTD, các chính sách pháp luật về BVQLNTD; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL, GLTM, HG).
Đi đôi với tuyên truyền, Hội phối hợp tích cực với lực lượng QLTT đề xuất tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về giá, đăng ký kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, các lực lượng QLTT đã kiểm tra 9.114 vụ, xử lý 7.525 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị tiêu hủy hàng hóa trên 22.642 triệu đồng. Trong đó phải kể đến những vụ việc lớn đã được xử lý như: một số doanh nghiệp và đại lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bánh kẹo quá hạn sử dụng; tiêu thụ nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối; sản xuất nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư; kinh doanh mứt giả nhãn hiệu…
Bên cạnh đó, Hội đã thành lập hai văn phòng để tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại của NTD. Từ năm 2012 đến nay, Hội đã tiếp nhận trên 100 đơn khiếu nại và phản ánh của NTD tập trung vào các vấn đề thương mại như: Quảng cáo không rõ ràng, sai sự thật; hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Tập trung ở một số mặt hàng như: sắt thép, xi măng, mì chính, bánh kẹo, nước uống đóng bình, thiết bị xây dựng, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, tôn, sơn nhà. Một số mặt hàng không thực hiện đúng quy định về bảo hành sản phẩm như: điện tử (tivi, máy điều hòa), xe máy, thiết bị văn phòng…Sau khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại và ý kiến phản ánh, Hội đã xác minh làm rõ và giải quyết nhanh chóng kịp thời, đến nay không còn đơn thư tồn đọng. Một số doanh nghiệp đã bồi thường thiệt hại, được NTD đồng tình ủng hộ.
Hàng năm, Hội còn phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh tổ chức các gian hàng giới thiệu với trên 1 nghìn mặt hàng để hướng dẫn các doanh nghiệp và NTD nhận biết hàng thật - hàng giả tại các Hội chợ thương mại trên địa bàn. Qua đó, đã có trên 5 nghìn lượt NTD được tư vấn, giúp NTD có kiến thức hiểu biết, kỹ năng tiêu dùng, tự bảo vệ mình và cùng đấu tranh bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hội cũng tư vấn cho một số doanh nghiệp các thủ tục lập hồ sơ tham dự giải chất lượng Quốc gia; cách thức đăng ký bản quyền, thương hiệu, nhãn hàng hóa. Hướng dẫn NTD các thủ tục hành chính thực hiện bảo đảm quyền lợi khi bị xâm phạm. Tại hai văn phòng tiếp nhận khiếu nại của NTD cũng thường xuyên tiếp đón nhiều lượt NTD đến đề nghị tư vấn về chất lượng hàng hóa trên thị trường trước khi mua sắm.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về BVQLNTD để NTD. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Quan tâm phát triển chi hội và hội viên tại các huyện, thành, thị. Tăng cường phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động với hình thức phong phú nhằm giúp NTD phân biệt hàng thật - hàng giả, các hành vi gian lận thương mại. Xây dựng các dự án, đề tài đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ nhà nước, đặc biệt trong việc nghiên cứu, khảo sát thực tế, tập hợp ý kiến, phản ánh nhu cầu NTD, đáp ứng yêu cầu BVQLNTD. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh trong công tác kiểm tra hàng hóa nhằm BVQLNTD, đồng thời giải quyết tốt đơn thư khi có khiếu nại của NTD. Hội sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội để xây dựng Hội BVQLNT tỉnh không ngừng phát triển, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho NTD và các doanh nghiệp.