T.P Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhà hàng ăn uống, giải khát (hiện có 2.400 hộ kinh doanh cá thể, trên 3.000 doanh nghiệp và 1.000 nhà hàng điểm ăn uống giải khát). Vì vậy, đây cũng là đầu mối tập trung lượng hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Kéo theo là tình trạng buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL,GLTM, HG) hết sức phức tạp.
Những năm qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) thành phố và các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; chủ động và phối hợp tích cực với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hành vi vi phạm, kiên quyết không để địa bàn thành phố trở thành “điểm nóng” về BL, GLTM, HG, nên số vụ việc đã giảm qua các năm.
Chỉ tính riêng năm 2017, Đội đã kiểm tra, xử lý 54 vụ về an toàn thực phẩm (giảm 8,5% so với năm 2016); 10 vụ hàng kém chất lượng (giảm 8,8%); 10 vụ hàng lậu (giảm 8%); xử lý 30 vụ về giá (giảm 54%); hàng giả xử lý 22 vụ (tăng 13%). Mặc dù các hành vi BL, GLTM giảm, song tình trạng BL, HG, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó phát hiện và ngày càng tinh vi. Ví dụ như các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thường trà trộn giữa hàng giả, hàng nhái, hàng chính hãng để bán nhưng lại lấy danh nghĩa là hàng “xách tay”; một số mặt hàng quần áo, giày dép giả nhãn hiệu của một số hãng thời trang nổi tiếng vẫn trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở Tổ 3, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Bây giờ hàng hóa quá nhiều, thật- giả lẫn lộn. Hầu như mặt hàng nào cũng có thể làm giả: từ lương thực, thực phẩm (ví dụ con tôm cũng bơm hóa chất, hạt gạo cũng làm giả) đến vật tư nông nghiệp (phân bón giả, thuốc trừ sâu giả); các đồ điện, điện lạnh như: ti vi, máy lọc nước, phụ tùng xe máy cũng làm giả. Nhiều mặt hàng khi mua chỉ có người bán cho biết đó là hàng thật thì mới biết là thật. Vì vậy, tôi thường mua hàng ở những cửa hàng của người quen và chỉ biết tin vào sự quen biết mà thôi”. Có cán bộ QLTT thị trường cho chúng tôi biết: Một số mặt hàng có định dạng riêng (ví dụ như các phụ tùng của xe máy Honda), nếu không được tập huấn cách nhận biết thì cũng khó phát hiện đâu là hàng thật- giả khi kiểm tra.
Vào các dịp lễ, Tết nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao gấp 2 đến 3 lần so với ngày bình thường nên sẽ không tránh khỏi tình trạng BL, GLTM, HG và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, những nhóm hàng thường có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết, dễ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và hay bị làm giả, kém chất lượng (chiếm từ 40 đến 50% thị trường) như: thịt gia súc, gia cầm; trứng, thực phẩm chế biến; đồ uống, mỹ phẩm, quần áo, giầy dép...). Vì vậy, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố luôn trăn trở để ngăn chặn tới mức thấp nhất, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Anh Tạ Đình Dũng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường T.P Thái Nguyên cho biết: “Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mùi 2018. Dự báo tình hình giá cả trên thị trường có nhiều biến động do lưu lượng hàng hóa và nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Kéo theo đó là các hoạt động BLGLTM, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hành giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để chủ động kiểm soát tình hình này, Đội QLTT thành phố sẽ bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, UBND tỉnh và T.P Thái Nguyên để tham mưu cho UBND thành phố thành lập Đội kiểm tra liên ngành; tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm chống BL, GLTM, HG trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong các đợt cao điểm, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm về BL, GLTM, HG, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái phép và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng và GLTM. Đặc biệt, xác định rõ các trọng điểm về BL, GLTM và HG trên địa bàn, quản lý tổ chức đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về BL, GLTM, HG. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các tổ công tác tăng cường thu thập thông tin, nắm bắt tình hình địa bàn, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng BL, GLTM, HG. Tập trung kiểm tra nhóm các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: lương thực, thực phẩm chế biến, dược phẩm, mỹ phẩm, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, nước giải khát, bánh mứt kẹo, đồ điện tử, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lĩnh vực giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường: Đẩy mạnh phối hợp với với các ngành chức năng kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm trên khâu lưu thông và địa bàn cố định.
Theo lời khuyên của cán bộ QLTT, người tiêu dùng nên lựa chọn những quầy, cửa hàng có uy tín hoặc người thân quen để mua hàng, đặc biệt là nên mua hàng ở các siêu thị. Vì gần 95% hàng hóa tại các siêu thị là hàng Việt Nam chất lượng cao do các nhà sản xuất, nhà cung cấp lớn, có uy tín trên toàn quốc cung ứng, đảm bảo chất lượng, được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Khi mua hàng hóa cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất; có nhãn hàng hóa nhằm hạn chế mức thấp nhất mua phải hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.