Phát huy lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch của tỉnh và vùng trung du miền núi Bắc Bộ, những năm qua, T.P Thái Nguyên luôn xác định phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và từ thực tế cho thấy, lĩnh vực TM-DV luôn đạt tỷ trọng cao trong các ngành sản xuất trên địa bàn Thành phố.
Mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên đã khánh thành, đưa vào sử dụng Tòa nhà Trung tâm tài chính - Thương mại (FINANCIAL AND COMMERCIAL CENTER - FCC). Đây là công trình được gắn biển chào mừng 55 năm Ngày thành lập T.P Thái Nguyên. Tòa nhà có tổng diện tích sàn là 24.000m2, với 28 tầng; vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Việc đưa tòa nhà vào sử dụng không những mở ra hướng khai thác dịch vụ một cách chuyên nghiệp mà còn là điểm nhấn, góp phần làm cho diện mạo đô thị trên địa bàn Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Cùng với tòa nhà nêu trên, Dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên (địa chỉ ở số 2, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Phan Đình Phùng) cũng nằm tại vị trí đắc địa, sát đảo tròn trung tâm Thành phố, với tổng diện tích mặt sàn là 6.000m2, có 2 tầng hầm, bên trên là hai tòa nhà cao tầng (trong đó có một tòa nhà cao 25 tầng, với 129 căn hộ cao cấp để ở; một tòa nhà phức hợp cao 18 tầng dùng để cho thuê văn phòng và khách sạn). Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2018.
Từ thực tế cho thấy, trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ lĩnh vực TM-DV. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên, một trong những DN có bề dày trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đầu tư vào Dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên chia sẻ: Chúng tôi quyết định đầu tư vào Trung tâm thương mại là bởi chúng tôi nhìn thấy rõ tiềm năng, lợi nhuận từ dự án, bởi lẽ thành phố ngày càng phát triển thì theo đó dịch vụ nghỉ dưỡng, thương mại mua sắm sẽ phát triển theo.
Cùng với 2 trung tâm thương mại “tầm cỡ” đã được triển khai đầu tư tại địa bàn T.P Thái Nguyên, thời gian qua ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực TM-DV hoạt động hiệu quả. Theo thống kê của UBND Thành phố, trên địa bàn hiện có 26 chợ. Cùng với đó, tính đến hết năm 2016, Thành phố có gần 40.000 hộ kinh doanh cá thể được cấp Giấy phép kinh doanh; 3.283 DN và 86 hợp tác xã; có 05 trung tâm thương mại, 21 siêu thị, 105 cửa hàng tự chọn đang hoạt động; trên 100 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên; có trên 1.000 nhà hàng, điểm ăn uống giải khát, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ cho khách khi tổ chức các sự kiện lớn cấp vùng, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng phát triển mạnh, với trên 20 chi nhánh góp phần đáng kể vào việc tạo nguồn vốn tín dụng hỗ trợ các DN hoạt động.
Cũng theo báo cáo của UBND T.P Thái Nguyên, trong giai đoạn 2010 - 2015 và năm 2016 tốc độ tăng trưởng ngành TM-DV tăng 17%. Đặc biệt, hoạt động TM-DV vận tải, du lịch, bưu chính viễn thông, ngân hàng phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân 15,5%/năm. Riêng trong năm 2017, giá trị sản xuất ngành dịch vụ trên địa bàn Thành phố ước đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Sở dĩ đạt được kết quả khả quan trong lĩnh vực TM-DV như nêu trên, trong những năm qua, T.P Thái Nguyên có chủ trương khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực TM-DV và có những cơ chế khuyến khích cụ thể như: tạo điều kiện khi các DN, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, ngành nghề kinh doanh; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực này, khi người dân có nguyện vọng kinh doanh hoặc mở thêm ngành nghề kinh doanh sẽ được hướng dẫn thủ tục cần thiết tại bộ phận một cửa Thành phố và rút ngắn thời gian trong việc cấp giấy phép kinh doanh…
Thành phố cũng thường xuyên tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tổ chức đối thoại với các DN, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các DN; chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt ưu tiên những vị trí thuận lợi để các DN đầu tư trong lĩnh vực phát triển TM-DV.
Để lĩnh vực TM-DV phát triển mạnh hơn nữa, xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020, T.P Thái Nguyên xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, T.P Thái Nguyên tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư, DN và các hộ dân đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế như: Công nghệ thông tin, y tế, giáo dục. Mở rộng thị trường, đẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng mới, sản phẩm chế biến, chế tạo. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch để đạt mức tăng trưởng hàng năm 18% trở lên.Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách. Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông với chất lượng cao…