Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ động vật

10:06, 08/12/2017

Hiện nay, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện tại các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư hoặc ngay tại hộ chăn nuôi khiến công tác kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng buôn bán sản phẩm động vật ngay tại lề đường, hè phố, tụ điểm dân cư vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật đang là đòi hỏi bức thiết.

Từ khoảng 3 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày, tại các chợ đầu mối lớn như: chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)... hoạt động giết mổ GSGC diễn ra rất tấp nập. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các điểm giết mổ đều hoạt động thủ công, tạm bợ và mất vệ sinh. Mỗi điểm giết mổ thường chỉ có 1 nồi nước sôi để dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt và 1, 2 chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Xung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải của GSGC lênh láng, bốc mùi hôi thối. Các loại chậu, nồi... bám đầy lông gà, lông vịt ngổn ngang. Nhiều hộ gia đình giết mổ ngay tại lề đường, sau đó bày bán tại chỗ. Người trực tiếp giết mổ phần lớn đều không đeo găng tay, khẩu trang hoặc bất cứ đồ bảo hộ gì. Do giết mổ thủ công, nên toàn bộ nước thải ở đây được xả trực tiếp xuống cống, rãnh xung quanh. Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường do rác thải ra từ quá trình giết mổ, người giết mổ cũng có nguy cơ mắc các bệnh từ GSGC không rõ nguồn gốc...

Ông Phạm Quang Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để hạn chế, từng bước chấm dứt tình trạng giết mổ GSGC nhỏ lẻ trái phép, mất vệ sinh, từ năm 2013, tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt.Tuy nhiên, sau hơn gần 4 năm thực hiện, hiệu quả mà Đề án mang lại vẫn còn ở mức hạn chế. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án đó là hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở giết mổ GSGC tập trung quy mô công nghiệp tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Toàn tỉnh mới xây dựng được 3 cơ sở giết mổ tập trung theo quy mô công nghiệp. Trong đó, chỉ có 1 cơ sở đang hoạt động là cơ sở giết mổ tập trung của Công ty CP Vinatuco Việt Nam tại thị trấn Ba Hàng (T.X Phổ Yên). Còn cơ sở giết mổ của Công ty Thực phẩm Cầu Mây tại xã Xuân Phương (Phú Bình) sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động đã phải tạm dừng do không cạnh tranh được với các điểm giết mổ nhỏ lẻ vì chi phí cao hơn. Trong khi đó, cơ sở giết mổ của Công ty CP Hưng Nguyên Thịnh (T.P Thái Nguyên) vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện.

Bà Trịnh Thị Bỉ, tổ 6, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên): Gia đình tôi làm nghề giết mổ động vật gần chục năm nay. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 60 con gia cầm từ các hộ chăn nuôi, sau đó mang về tự giết mổ rồi bày bán ngay tại nhà để tiết kiệm chi phí. Mặc dù biết giết mổ tự phát như thế này không đảm bảo vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng nếu đưa vào lò thuê giết mổ thì mỗi con gà, vịt sẽ mất thêm chi phí từ 10.000-20.000 đồng...

Chính vì vậy, hiện nay, hoạt động giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoặc tại các hộ gia đình. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhưng chỉ có 4 cơ sở hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 1.167 hộ kinh doanh giết mổ ngay tại hộ gia đình, khu dân cư và gần 700 điểm buôn bán thịt GSGC tại lề đường, hè phố... tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ đều diễn ra vào ban đêm, kết thúc vào đầu giờ sáng do vậy rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, phần lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại chợ, gia đình đều không có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường...

Trước thực tế nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng “Đề án Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ GSGC giai đoạn 2018-20120, định hướng đến năm 2030 trên địa tỉnh Thái Nguyên”. Mục tiêu của Đề án là giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức giết mổ GSGC tại hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi; đồng thời, xóa bỏ các điểm kinh doanh sản phẩm động vật trên lề đường, hè phố, tụ điểm dân cư không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ sở giết mổ động vật được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ; xây dựng thêm 13 cơ sở giết mổ tập trung và 49 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung công nghiệp gắn với bảo quản phục vụ xuất khẩu...

Để đạt được những mục tiêu nên trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Cụ thể như: Hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; 50% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị trong hàng rào và 70% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào đối với các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Sau khi cơ sở giết mổ đi vào hoạt động, sẽ tiếp tục được hỗ trợ chi phí giết mổ trong 2 năm đầu…
Dự kiến “Đề án Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ GSGC giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa tỉnh Thái Nguyên” sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII. Nếu được thông qua, Đề án này được coi là một "cú hích" rất lớn về chính sách, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết GSGC.