Thực trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng xuất hiện nhiều hơn với các thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, khi thủ đoạn của các đối tượng làm hàng giả càng tinh vi thì công nghệ phòng, chống của lực lượng chức năng và các nhà sản xuất càng hiện đại.
Theo thống kê của Cơ quan chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn trong cả nước. Đã có người phải thốt lên rằng, sản xuất hàng giả, hàng nhái đã trở thành “ngành công nghiệp” quy mô lớn dù luôn bị xã hội tẩy chay.
Với Thái Nguyên, thực tế trên cũng không là ngoại lệ. Hiện nay, bất cứ mặt hàng nào trên thị trường cũng có thể làm giả một khi chúng có khả năng sinh lợi cao. Năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý 112 vụ liên quan đến hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính gần 680 triệu đồng cùng hơn 486 triệu đồng trị giá hàng vi phạm. Theo ông Lương Ngọc Khiêm, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) thì các mặt hàng giả chủ yếu là máy lọc nước, bóng đèn Rạng Đông, quần áo, giày dép các loại, bột ngọt, phụ tùng xe máy, phụ kiện điện thoại, mỹ phẩm, nước mắm, bánh kẹo, mứt tết… Trong đó, phát hiện làm giả nhiều nhất là quần áo (26 vụ) và giày dép (15 vụ).
Các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái đã tinh vi đến mức không chỉ tem nhãn, bao bì giống y hệt sản phẩm thật mà ngay cả mã vạch cũng bị làm y trang. Theo lực lượng chức năng, nhiều khi kiểm tra mã vạch bằng phương pháp thông thường chưa chắc chắn 100%, bởi bản thân mã vạch có thể bị sao chép làm giả, cắt dán hoặc sử dụng bao bì thật và bao bì thật đã qua sử dụng.
Trước thực tế trên, không chỉ cơ quan chức năng sử dụng công nghệ tiên tiến để phát hiện mà ngay cả các nhà sản xuất cũng có các biện pháp thích hợp để phòng, chống làm giả sản phẩm. Hiện nay, việc sử dụng máy quét mã vạch để phân biệt hàng thật, giả đã trở nên thông dụng được cơ quan quản lý và người tiêu dùng thực hiện thường xuyên, nhất là tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh. Máy quét có tác dụng giải mã, thu thập thông tin mã vạch vào máy tính, sử dụng công nghệ tuyến tính quét cắt ngang các sọc mã vạch, từ đó biết được mã vạch có đúng hay sai. Có thể đọc mã vạch bằng điện thoại thông minh thông qua phần mềm đọc mã vạch. Nó giúp người tiêu dùng nắm được những thông tin cơ bản về sản phẩm qua hiển thị trực tiếp trên màn hình điện thoại. Có thể dùng các phần mềm như: Icheck, Barcode Scanner, Barcodeviet, Vietcheck… Cũng theo ông Lương Ngọc Khiêm, việc sử dụng phần mềm đọc mã vạch qua điện thoại đang được lực lượng Quản lý thị trường tỉnh áp dụng chủ yếu trong quá trình kiểm tra hàng giả, hàng nhái. Chính biện pháp này thời gian qua đã giúp tìm ra không ít trường hợp làm giả sản phẩm có uy tín trên thị trường. Phần mềm này hiện được công bố rộng rãi trên hệ thống mạng Internet, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, tải về để tiện sử dụng.
Mặt khác, trong thời buổi công nghệ phát triển, một trong những giải pháp kiểm soát tích cực và triệt để được đưa ra chính là sản xuất tem chống giả có ứng dụng công nghệ thông tin (tem SMS). Đây là loại tem được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phối hợp nghiên cứu thành công và đã đưa ra thị trường, được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Tem SMS là loại tem điện tử tích hợp 4 công nghệ cao trong 1 sản phẩm, bao gồm công nghệ SMS, công nghệ nhận diện bằng nước, công nghệ nhiệt và công nghệ phát sáng để phát hiện rõ tính thật, giả của sản phẩm. Khách hàng kiểm tra sản phẩm bằng cách nhắn tin SMS và quét QR Code bằng điện thoại thông minh và tra cứu trên trang web.
Bộ Công an cũng cho ra đời loại tem được in bằng công nghệ UV có tính bảo an cao, có thể phát sáng và hiện lên các lớp thông tin chìm khi soi dưới đèn tia cực tím. Một loại tem chống hàng giả khác là tem kỹ thuật số cũng đang được áp dụng. Trên mỗi con tem được in một dãy mã số đặc biệt, mã số đó được mã hóa để chứa các thông tin liên quan đến sản phẩm và nhà sản xuất. Người tiêu dùng mua sản phẩm sẽ cào để lấy mã số và gọi điện để kiểm tra sản phẩm là thật hay giả.
Tuy hiện tại đã có nhiều biện pháp nhận diện và kiểm soát hàng giả thông qua công nghệ tiên tiến, song trên thực tế các đối tượng làm giả có thể bắt kịp công nghệ rất nhanh và sẵn sàng có những thủ đoạn tinh vi hơn để qua mặt. Theo lực lượng chức năng, có một bất cập hiện nay là nhiều doanh nghiệp bị làm giả hàng hóa không muốn phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý theo quy định. Doanh nghiệp sợ thông tin về sản phẩm của mình đã bị giả được công bố rộng rãi, người tiêu dùng lo lắng và không còn mặn mà với sản phẩm đó nữa. Vì thế, đây là cơ hội để các đối tượng càng có điều kiện thực hiện các hành vi làm hàng giả, gây hoang mang dư luận, mất lòng tin của người tiêu dùng.
Trong thời buổi mà công nghệ 4.0 lên ngôi, rất cần các doanh nghiệp và cơ quan quản lý liên tục cải tiến, nâng cấp công nghệ chống hàng giả, hàng nhái, trong đó chú ý đến những sản phẩm mang tính tương tác cao, thông dụng để người tiêu dùng có thể tự nhận biết và phòng tránh qua các công cụ tiện ích như điện thoại thông minh, máy tính bảng...