Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhưng nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Dự báo, dịp Tết sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Siêu thị chủ động, tiểu thương dè dặt
Theo ghi nhận của chúng tôi, để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các siêu thị đã bắt đầu tích trữ hàng từ giữa tháng 11 với số lượng tăng từ hai đến ba lần so với các tháng bình thường. Khảo sát tại một số siêu thị như Lan Chi Mart, Thành Đô, Minh Cầu, Tôn Mùi, chúng tôi thấy nhiều mặt hàng phục vụ Tết đã rục rịch lên kệ. Chiếm phần lớn là bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… Năm nay, ngoài các sản phẩm quen thuộc có xuất xứ nội địa như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà thì các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được bày bán khá phong phú, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.
Ông Ngô Tất Khánh, Giám đốc Siêu thị Minh Cầu cho biết: Để tránh tình trạng tăng giá hoặc “cháy” hàng cục bộ vào dịp Tết, siêu thị chủ động nhập hàng trước Tết ba tháng. Hiện tại, lượng hàng dự trữ đáp ứng khoảng 60% và được phân bổ đều ở hai chi nhánh của siêu thị. Riêng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, siêu thị nhập với số lượng gấp 3 lần so với các tháng bình thường, tổng giá trị hàng hóa trên 24 tỷ đồng. Trong đó, thương hiệu bánh kẹo nước ngoài chiếm khoảng 70% thị phần. Các thực phẩm đóng hộp Hạ Long, Công ty Thủy Sản khu vực 1, 2 cũng được nhập về gấp 2 lần so với hằng tháng. Cũng theo ông Khánh, dự báo sức mua dịp Tết sắp tới sẽ không biến động nhiều so với những năm trước. Hơn nữa, thị trường bán lẻ ngày càng nhiều nên sẽ không lo thiếu hàng. Còn tại Hợp tác xã Miến Việt Cường (HTX) những ngày này, không khí sản xuất hàng Tết đang diễn ra hối hả. Chủ nhiệm HTX, anh Nguyễn Văn Ba cho hay: Để đảm bảo lượng hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2018, ngay từ đầu tháng 10, HTX đã nhập về khoảng 500 tấn nguyên liệu làm miến. Theo đó, HTX sẽ bán ra thị trường khoảng 250 tấn miến thành phẩm (tăng 30% so với Tết năm 2017), với tổng giá trị hàng hóa trên 10 tỷ đồng. Tính đến nay, HTX đã sản xuất được khoảng 50% lượng miến phục vụ cho dịp Tết.
Trái ngược với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thì việc chuẩn bị hàng Tết của các tiểu thương lại khá trầm lắng. Phần lớn các tiểu thương còn e dè và có tâm lý bán hàng cầm chừng để tránh bị “ôm” hàng. Bà Tạ Thị Sớm, tiểu thương bán hàng khô khá lớn tại Chợ Thái chia sẻ: “Thời điểm này năm ngoái, tôi đã phải đặt mua trước măng khô, nấm hương, mọc nhĩ, bánh đa nem, gạo và đỗ xanh, với khoảng 300-400 triệu đồng tiền hàng để bán vào dịp Tết. Nhưng năm nay, do sức mua “ế ẩm” nên hàng tồn còn nhiều. Đến giờ, tôi vẫn chưa lấy hàng mới để chuẩn bị bán Tết.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, chủ cửa hàng bán bánh kẹo tại chợ Đồng Quang nói: "So với năm trước, sức mua mặt hàng bánh kẹo tại cửa hàng giảm từ 10-15%/tháng. Ba tháng vừa qua, chúng tôi đã giảm lượng hàng nhập về gần 2 lần mà tồn kho vẫn nhiều, chính vì thế, gia đình không dám dự trữ hàng Tết mà sẽ lấy đến đâu bán đến đó để tránh “ôm hàng, chôn vốn”. Mặc dù các tiểu thương còn khá dè dặt chuẩn bị hàng Tết, song các mặt hàng này đều được bày bán khá nhiều tại các siêu thị, cửa hàng lớn. Hơn nữa, người dân có xu hướng “chơi Tết” hơn “ăn Tết” nên nhu cầu tích trữ hàng hóa của người tiêu dùng cũng giảm dần, nhất là người dân sống ở khu vực thành phố, chưa kể, nhiều chợ truyền thống, siêu thị hoạt động khá sớm (mùng 2, 3 Tết) nên không lo khan hiếm nguồn hàng.
Đảm bảo bình ổn giá
Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng cho người dân vào dịp Tết, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, thương mại sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện Tết 2017 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân để chủ động chuẩn bị các mặt hàng tăng từ 10-20% so với các tháng trong năm. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhu cầu mua sắm dịp Tết 2018 sẽ không có nhiều biến động so với mọi năm. Các mặt hàng được tập trung dự trữ nhiều là gạo (trên 623 nghìn đồng kg), bánh kẹo (130 nghìn đồng kg), dầu ăn (112 nghìn đồng lít), thịt lợn, gà (373 nghìn đồng kg)…, với tổng giá trị lượng hàng dự trữ khoảng 50 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán 2018, Sở Công Thương còn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá.
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng Tết và bình ổn giá, theo ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã và đang lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tham gia đăng ký bình ổn giá với cam kết không bán giá cao hơn so với thị trường. Chính vì thế, người tiêu dùng không lo thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. Sở Công Thương đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Tết. Và một trong những nhiệm vụ được chú trọng là kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi "găm” hàng hoặc tăng giá trái pháp luật trên địa bàn trước, trong và sau Tết…