Ngồn ngộn, đầy ắp hàng hóa tiêu dùng các loại. Chỉ một câu hỏi hờ hững, bạn có thể được tiếp thị sản phẩm của nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại các chợ trung tâm của tỉnh, và chợ phiên tại vùng nông thôn, miền núi Thái Nguyên, hàng Trung Quốc chiếm một số lượng lớn, thậm chí lấn át vị trí trưng bày tại nhiều gian hàng. Song có một tín hiệu vui đối với các doanh nhân, nhà sản xuất trong nước là những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua, sử dụng hàng Việt.
Tháng “củ mật”, tháng giáp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua của người dân mạnh hơn so với thường nhật. Người về chợ mua sắm, chủ yếu là phụ nữ đã… “bạo tay” hơn khi trả tiền hàng. Khi chúng tôi hỏi về sở thích hàng hóa và quyết định mua sản phẩm, nhiều người tiêu dùng đã trả lời: Mình là người Việt Nam, thì ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Chân chất, mộc mạc, nhưng đó là một trong những cách thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc của mỗi người dân. Đương nhiên đó là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu dáng đẹp, bền và giá cả phù hợp với mức thu nhập của người lao động.
Tư duy sính hàng ngoại của người tiêu dùng hiện không ồn ào như cách đây ít năm. Vì một lẽ giản đơn, hầu hết các doanh nghiệp đã hướng việc sản xuất của mình đến sở thích, nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt là sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức thành viên, đã bền bỉ tuyên truyền, vận động người tiêu dùng hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên cho biết: Thành phố đã thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia Cuộc vận động. Bà Vi Thị Vạn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ cho biết: MTTQ phối hợp với UBND huyện và các đơn vị liên quan tổ chức thành công phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại xã Hóa Thượng; Hội chợ xúc tiến Thương mại tại thị trấn Chùa Hang; phối hợp vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đưa sản phẩm tham dự Hội chợ thương mại tại huyện Cát Hải (T.P Hải Phòng) và tổ chức thành công Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” do tỉnh tổ chức.
Từ phía nhà sản xuất, trong năm 2017 một số doanh nhân đã mạnh dạn quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế với mục đích giao lưu, liên kết, hợp tác cùng phát triển, như: Hội chợ ASEAN (T.P Nam Ninh - Trung Quốc); Hội chợ hàng Việt (T.P Hà Nội); Hội chợ công thương khu vực đồng bằng Sông Hồng (Bắc Ninh); Hội chợ thương mại quốc tế đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình); Hội chợ đặc sản vùng miền (T.P Hà Nội); Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc (Yên Bái); Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn). Ngoài Hội chợ, một số doanh nghiệp chủ động tham gia Chương trình kết nối cung cầu tại tỉnh Nam Định; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi huyện Yên Thế (Bắc Giang); triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (FOODEXPRO) (T.P Hồ Chí Minh); Hội nghị kết nối cung cầu (An Giang) và Hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn… Các doanh nhân, nhà đầu tư của tỉnh đều xác định đây là một trong những cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và đẩy mạnh mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Chuyện người Việt dùng hàng Việt, bà Ma Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương cho biết: Năm 2017, huyện tổ chức thành công một số hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi tại xã Vô Tranh. Tại phiên chợ này, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tặng 80 suất quà cho hộ nghèo, học sinh nghèo với tổng trị giá gần 50 triệu đồng. MTTQ các xã, thị trấn cũng đã tuyên truyền được 133 buổi, cho 9.146 lượt người về hưởng ứng Cuộc vận động và tham gia trên 40 gian hàng tại Lễ hội Đền Đuổm; hàng chục gian hàng trưng bày tại Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất năm 2017.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong năm 2017 tỉnh đã tổ chức thành công Hội chợ Xuân và Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Cùng hai hội chợ này là 4 đợt tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn miền núi ở Chợ Chu (Định Hoá), Vô Tranh (Phú Lương), Thượng Nung (Võ Nhai) và Tân Khánh (Phú Bình). Tại các phiên chợ, MTTQ phối hợp, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng 600 suất quà với tổng trị giá hơn 182 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo có hoàn cảnh vượt khó học giỏi.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Từ triển khai có hiệu quả Cuộc vận động đã làm thay đổi nhận thức trong đại bộ phận người tiêu dùng; đồng thời hình thành một thói quen lành mạnh “Ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây cũng là một giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.