Người dân nông thôn ưu tiên chọn hàng Việt

17:58, 01/03/2018

Người dân nông thôn huyện Đồng Hỷ dùng hàng Việt Nam không chỉ vì lý do ủng hộ thương hiệu Việt phát triển mà còn vì chất lượng hàng Việt tốt, giá hợp lý. Chính vì thế, hàng Việt thời gian qua đã chiếm được thị phần không nhỏ tại khu vực nông thôn của huyện.

Chợ Văn Hán, xã Văn Hán có gần 20 ki-ốt bán hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm, thiết bị điện. Qua khảo sát tại những ki-ốt này, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam được bày bán tương đối nhiều như: Nước mắm, đường, muối, nước chấm, gia vị (tương ớt, xì dầu); bánh kẹo; đồ gia dụng bằng nhựa, kim loại; thiết bị điện nước; nông cụ... Một số thương hiệu tiêu biểu phải kể đến là nhựa Tiền Phong, nhựa Song Long; điện gia dụng Tân Á; bánh kẹo Hữu Nghị. Trong đó, ki-ốt kinh doanh Đông Đua ở xóm Phả Lý là có nhiều sản phẩm hàng Việt hơn cả. Chủ hộ kinh doanh Vũ Thị Đua (63 tuổi) cho biết: Hơn 20 năm bán hàng tạp hóa, chưa bao giờ tỷ lệ hàng Việt Nam bán tại cửa hàng lại nhiều như hiện tại. Trên 90% sản phẩm chúng tôi đang kinh doanh là hàng Việt Nam thay vì tỷ lệ 50% như trước. Các sản phẩm bán chạy cụ thể như: đồ nhựa gia dụng Song Long, bạt nhựa nông nghiệp Tú Phương, thiết bị điện CADIVI…không chỉ là tâm lý của khách hàng mà thực sự hàng Việt Nam đã tốt hơn trước đây rất nhiều nên thu hút được đông đảo người dân lựa chọn. Tại ki-ốt Tuấn Hòa, ở xóm Phả Lý, hàng điện tử, điện lạnh của các doanh nghiệp trong nước cũng được bày bán nhiều với các sản phẩm như: tủ lạnh SANAKY, bình nước nóng Rossi, bình nước Tân Á, cây nước nóng Kangaroo… Theo chủ ki-ốt này, nguồn hàng được cung cấp bởi nhà phân phối cấp 1 trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Đây là những nhà phân phối được ủy quyền từ chính hãng sản xuất nên sản phẩm bảo đảm về chất lượng, một số nhà sản xuất còn có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo như bảo hành, sửa chữa, thay thế linh kiện chính hãng.

Là người dân xóm Phả Lý, chị Vi Thị Hòa, 45 tuổi cho biết, nhiều năm nay, gia đình chị luôn ưu tiên chọn hàng xuất xứ trong nước. Từ vật dụng sinh hoạt như ấm, chén, bát đũa, thiết bị vệ sinh… cho tới các thiết bị điện tử như bình nước nóng, bếp gas, tủ lạnh… đều là hàng Việt Nam. Chị Hòa bảo: “Nông dân trồng chè như chúng tôi thường chọn các sản phẩm trong nước vì giá cả phù hợp và độ bền cũng không kém so với hàng ngoại”. Còn anh Lý Ngọc Xuyên (30 tuổi), ở xóm La Củm, xã Văn Hán thì bảo: Trước, tôi thường chọn hàng Trung Quốc nhưng mấy năm gần đây tôi chọn hàng Việt vì sản phẩm đảm bảo bền, đẹp; nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các sản phẩm gia đình đã chuyển sang dùng hàng Việt có thể kể đến như: Đồ nhựa Long Thành; đường vàng Lam Sơn; chén, bát Bát Tràng; khăn mặt…

Được biết, trên địa bàn xã Văn Hán hiện có khoảng 130 hộ kinh doanh. Mặt hàng kinh doanh là các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống thường ngày của người dân. Phần lớn các mặt hàng kinh doanh này đều có xuất xứ trong nước. Theo ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán thì hàng Việt có những ưu điểm như: Nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; giá bán hợp lý; bền, đẹp nên đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn. Vì vậy, nếu 3 năm trước, hàng xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập địa bàn Văn Hán thì nay hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế hơn. Hiện tại nhu cầu của bà con về hàng Việt khá lớn, một phần do việc tuyên truyền đã được các cấp, ngành chú trọng, một phần do chất lượng, uy tín của hàng sản xuất trong nước ngày một được nâng cao.

Cùng với Văn Hán, ở các xã, thị trấn địa bàn huyện Đồng Hỷ, hàng Việt Nam đã dần chiếm ưu thế, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện cho biết: Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thị phần hàng Việt trên thị trường, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ người dân Đồng Hỷ dùng hàng Việt đã tăng mạnh, kéo theo nhu cầu hàng Việt tăng cao. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần làm cho hàng Việt xuất hiện phổ biến tại địa bàn nông thôn, vùng núi, vùng sâu của Đồng Hỷ. Trong những Chương trình này, sản phẩm tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như: Thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… với giá bán hợp lý, phù hợp điều kiện, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một số mặt hàng Việt cung ứng về vùng nông thôn mẫu mã sản phẩm còn chưa đa dạng, kênh phân phối chưa nhiều. Do đó, để hàng Việt trụ vững ở khu vực nông thôn các doanh nghiệp phải tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp tâm lý, nhu cầu của người tiêu dùng và mở rộng hình thức phân phối.