Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra

11:04, 06/03/2018

Vừa gặp chúng tôi, anh Chu Quốc Khánh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) Đại Từ phấn khởi cho biết: Năm 2018, Đội QLTT được giao chỉ tiêu kiểm tra, xử lý 122 vụ việc, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính, trị giá hàng tịch thu 265 triệu đồng. Tính đến hết tháng 2-2018, Đội đã thực hiện kiểm tra 22 vụ, xử lý 20 vụ với số tiền xử phạt và trị giá hàng tịch thu đã đạt trên 281 triệu đồng, bằng 106% kế hoạch năm; 2 vụ đang xác minh làm rõ.  

Anh còn cho biết thêm, tại phiên họp giao ban tháng 2-2018 của UBND huyện Đại Từ, đánh giá về tình hình thị trường được UBND huyện đánh giá cao: Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy, các cơ sở kinh doanh chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật. Trên địa bàn huyện không có những biến động bất thường xảy ra, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá quá mức hoặc khan hiếm hàng hóa do mất cân đối cung cầu hàng hóa và vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại. Kết quả trên không chỉ được Đội QLTT huyện cùng với các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện tốt trong 2 tháng đầu năm 2018 mà đã duy trì từ nhiều năm với kết quả năm nào cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch, được huyện, Chi cục QLTT đánh giá cao vì liên tục giữ được thị trường ổn định, nề nếp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển tốt. Đội luôn được các cấp, ngành chức năng khen thưởng về công tác chuyên môn, công tác xây dựng Đảng và các hoạt động đoàn thể.

Nhưng chúng tôi hiểu, để giữ được tình hình thị trường huyện Đại Từ đi vào ổn định, nề nếp nhiều năm qua không phải một sớm một chiều mà phải là cả quá trình. Bởi địa bàn huyện có khá đông dân cư; hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển nên không thể tránh khỏi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL, GLTM, HG). Những hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là kinh doanh hàng giả (quần áo, giày dép, đồ điện, đồ gia dụng, đồ dùng gia đình, các mặt hàng do nước ngoài sản xuất), vi phạm sở hữu trí tuệ với mức độ tinh vi hơn; ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá… Đặc biệt huyện có 30 xã, thị trấn thì có tới 23 xã có khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản tuy nhỏ lẻ nhưng phức tạp, trong khi đó lực lượng QLTT mỏng, toàn Đội chỉ có 7 người nên phải chia làm 2 tổ công tác, mỗi tổ phụ trách 15 xã, thị trấn.

Với chức năng là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 huyện, Đội QLTT luôn đóng vai trò chủ động trong việc tham mưu, báo cáo UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn các giải pháp ổn định thị trường; tăng cường công tác chống BL, GLTM, HG. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, giá cả, nhu cầu, lượng dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp. Đi đôi là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại; tăng cường phối với các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ... Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lồng ghép với tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, công nghiệp; đồng thời ký cam kết tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuát, kinh doanh. Hàng năm, Đội chủ động tham mưu, báo cáo UBND huyện xem xét, quyết định thành lập Đội Kiểm tra liên ngành chống BL, GLTM, HG và các hoạt động văn hóa, khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch, mở đợt cao điểm để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống BL, GLTM, HG, các hoạt động văn hóa, khoáng sản trái phép.

Đặc biệt, đối với hoạt động khai thác khoáng sản, lực lượng QLTT huyện có thuận lợi là luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND huyện, trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ 389 huyện luôn tin tưởng, trực tiếp giao cho lực lượng QLTT huyện chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh; các xã thị trấn trên địa bàn kiểm tra, xử lý các vụ việc nổi cộm. Từ đó đã ngăn chặn được các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Chính vì vậy, những năm gần đây, Đội QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã xử lý hàng chục vụ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Riêng trong tháng 1-2018, Đội QLTT đã xử lý 3 vụ vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 2 vụ khai thác cát trái phép trên lòng hồ Núi Cốc, tịch thu 2 tàu vỏ sắt, 10 m3 cát và một số vật dụng khác, đã bán đấu giá thanh lý tài sản, nộp ngân sách Nhà nước trên 31 triệu đồng. 1 vụ khai thác khoáng sản trái phép xử phạt trên 140 triệu đồng; tịch thu toàn bộ giá trị bằng tiền 1.700m3 đất sét với trị giá hàng hóa 68 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Đội kiểm tra liên ngành đang tiếp tục xác minh làm rõ 1 vụ tàng trữ khoáng sản. Chính các vụ xử lý khai thác khoáng sản trái phép đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ được giao hàng năm của Đội.

Không dừng lại với kết quả đạt được, những ngày này, lực lượng QLTT vẫn tích cực triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch năm nhằm quản lý tốt thị trường trên địa bàn. Anh Chu Quốc Khánh cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đội và Cơ quan thường trực BCĐ 389 huyện, Đội tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các Đội liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động hành nghề y dược tư nhân, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép góp phần duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định.