Trái cây Việt giữ vững vị thế trên "sân nhà"

16:40, 11/03/2018

Những năm gần đây, trái cây nhập khẩu từ nhiều nước phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Mỹ, Australia, Thái Lan, Pháp...  xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam nói chung, các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh nói riêng. Mặc dù điều này khiến trái cây trong nước gặp phải không ít khó khăn trong cạnh tranh nhưng đây cũng chính là “chất xúc tác” để các nhà sản xuất trong nước không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng để mở rộng thị trường.

Theo khảo sát thực tế của chúng tôi tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: Lan Chi Mart, Minh Cầu, Thành Đô… thì tỷ lệ trái cây nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn đang chiếm khoảng 20-30% tổng lượng trái cây được tiêu thụ. Do giá các loại trái cây nhập khá cao, dao động từ 115.000-200.000 đồng/kg tùy loại, cao gấp 2-3 lần trái cây trong nước nên khách hàng có mức thu nhập khá mới lựa chọn sử dụng hoặc làm quà biếu. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Công Huy, Quản lý Siêu thị Lan Mart Chi cho biết: Hiện siêu thị có khá nhiều loại trái cây nhập như lê, táo, nho, kiwi… với tỷ lệ chiếm khoảng 1/4 so với trái cây trong nước. Đây là những loại quả mà trong nước chưa sản xuất được hoặc có ưu thế hơn về kích thước, hương vị so với trái cây nội cùng chủng loại. Còn đối với các sản phẩm trong nước sẵn có như thanh long, bơ, xoài, sầu riêng, cam, măng cụt… thì cơ bản vẫn được phần lớn người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và giá cả cũng phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi lựa chọn các loại trái cây đặc sản từ các vùng, miền, địa phương. Khi sản phẩm vào được hệ thống siêu thị Lan Chi, đều được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng, nên khách hàng chỉ cần lo về giá cả và nhu cầu tiêu dùng của bản thân gia đình.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Thu, chủ cửa hàng hoa quả tại chợ Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi bán hoa quả tại chợ này đã hơn 20 năm, gần đây tôi có lấy thêm một số loại hoa quả nhập như: nho, táo, lê… đã làm phong phú thêm các mặt hàng. Tuy nhiên, hoa quả của Việt Nam vẫn chiếm chủ yếu, khoảng 90%, bởi người dân ở đây chủ yếu là người tiêu dùng bình dân hoặc thu nhập thấp. Thêm vào đó, do bán ở chợ nên nhiều người có tâm lý lo sợ là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng Trung Quốc kém chất lượng nên trái cây nhập tiêu thụ rất chậm.

Tại nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trường học... thường đặt hàng với số lượng nhiều thì trái cây Việt vẫn được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Độc Lập (T.P Thái Nguyên), cho biết: Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Chế biến nông sản Thái Nguyên cung cấp thực phẩm và trái cây cho các cháu. Các loại trái cây được thay đổi thường xuyên và 100% là trái cây Việt như dưa hấu, chuối, cam…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc trái cây ngoại đang tiến vào thị trường trong nước là điều không thể tránh khỏi, bởi lẽ đó là xu thế tất yếu của hội nhập, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong chi tiêu của mình. Đồng thời cũng giúp các nhà sản xuất nhận ra xu hướng tiêu dùng hiện nay, là động lực giúp cho người sản xuất, các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất tốt hơn trước đây, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài ngay trên sân nhà. Nắm bắt được xu thế đó, hiện nay, rất nhiều trang trại, gia trại và hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả trên địa bàn đã có ý thức sản xuất theo quy trình đảm bảo, từng bước xây dựng thương hiệu. Đơn cử như vừa qua, HTX nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) cũng đã hoàn tất các thủ tục về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm là bưởi và thanh long ruột đỏ nhằm cung cấp cho các cửa hàng, bếp ăn, trường học trên địa bàn, hướng tới cung cấp cho các siêu thị. Còn tại HTX Đồng Tâm, xóm Là Đông, xã Tràng Xá (Võ Nhai) cũng đã đề ra kế hoạch phấn đấu tới năm 2020, HTX sẽ có 50% diện tích bưởi Diễn (8ha) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Việc trái cây nhập khẩu xâm nhập mạnh vào thị trường những năm gần đây đã mở thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng trái cây nhập ngoại đa phần mới chỉ ở khách hàng có thu nhập khá trở lên. Thực tế này cho thấy trái cây Việt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, đồng thời, đòi hỏi ngành trồng trọt trong nước phải không ngừng nâng cao về chất lượng, chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và tạo ra được nhiều giống cây phù hợp với khí hậu của Việt Nam, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Đặc biệt, một số loại quả trong nước đã tiếp cận được với thị trường nước ngoài như: thanh long, chuối, nhãn, sầu riêng… đang là tín hiệu tích cực đối với ngành sản xuất trái cây nội địa để gia tăng giá trị kinh tế. Hy vọng rằng, với những lợi thế hiện có, trái cây Việt sẽ ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn chinh phục được những thị trường khó tính nước ngoài.