Chủ động đặt hàng người sản xuất theo đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra - Đó chính là chuỗi liên kết cung - cầu phát huy tốt hiệu quả quản lý chất lượng từ thực tế mô hình kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp Thái Cương (T.P Thái Nguyên).
Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn Thái Cương chính thức khai trương năm 2016, với phương thức hoạt động ban đầu chủ yếu là khâu phân phối, lưu thông thực phẩm an toàn từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Quy mô ban đầu chỉ có liên kết gần 8ha rau an toàn VietGAP nằm tại Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Bình Thuận (Đại Từ) và một số nhà vườn xã Quyết Thắng, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), doanh nghiệp Thái Cương đã chủ động mở rộng liên kết thêm các trang trại để kinh doanh một số sản phẩm khác như thịt, cá an toàn trên địa bàn tỉnh. Khó khăn nhất trong việc duy trì chuỗi thu mua, lưu thông và kinh doanh của doanh nghiệp chính là điều tiết cung-cầu luôn cân đối.
Ông Đỗ Văn Cương, Giám đốc doanh nghiệp Thái Cương cho biết: “Ban đầu người sản xuất chưa hiểu về kinh doanh thực phẩm. Họ cho rằng sản phẩm của họ làm rất công phu, vất vả và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nên có thể đến với những khách hàng khó tính nhất, đến với các nhà hàng tiêu chuẩn cao… do đó, giá thành phải cao”. Nhiều khi đặt hàng số lượng lớn, người sản xuất lại cho rằng doanh nghiệp đã tìm được hợp đồng thiêu thụ đặc biệt nào đó, nên bỏ ít vốn mà kiếm lợi nhuận quá cao. Trong nhiều cuộc họp với các hộ dân và các vùng sản xuất, doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn và cùng các hộ xây dựng ổn định lịch sản xuất, thời vụ, chu kỳ khai thác từng loại thực phẩm theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Từ các cuộc họp với người sản xuất, kiến thức về ATVSTP được người dân hiểu biết sâu hơn và nâng cao trách nhiệm hơn.
Vùng rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại từ) liên kết với doanh nghiệp Thái Cương tạo chuỗi cung cầu ổn định, bảo đảm chất lượng.
Với phương châm kinh doanh: “Bán trứng bày cả rổ”, sản xuất, kinh doanh đơn chiếc, nhỏ lẻ sẽ không có giá trị gia tăng và thiếu tính chuyên nghiệp. Và như vậy doanh nghiệp sẽ mất thương hiệu khi cung không đáp ứng được cầu, hoặc cung thấp hơn cầu, vỡ kế hoạch, vỡ hợp đồng…Xuất phát từ thực tế đó, Thái Cương đã chủ động tiếp cận thêm trên 50 bếp ăn tập thể trong T.P Thái Nguyên bằng sản phẩm sạch theo các quy chuẩn hiện hành về ATVSTP. Đồng thời, đầu tư 10 xe vận tải chuyên dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến liên hoàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhanh nhất, đủ nhất theo từng ngày. Sau 2 năm hoạt động, đến nay Thái Cương đã có hợp đồng liên kết với vùng rau an toàn lên đến gần 50ha, thuộc các xã Bàn Đạt, Tân Khánh (Phú Bình), Bình thuận, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), đảm bảo cung ứng sản lượng từ 400-450 tấn rau an toàn mỗi năm. Mặt hàng thịt gà, lợn an toàn, doanh nghiệp đã liên kết với 10 gia trại, trang trại chăn nuôi an toàn theo đăng ký sản xuất tại địa phương và cơ quan chức năng. Đặc biệt, Thái Cương đã mở rộng sản xuất bằng hình thức chăn thả cá lồng theo tiêu chuẩn ATVSTP tại hồ Núi Cốc với sản lượng đạt 300 tấn/năm, cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Hùng, xóm Trại 5, xã Bình Thuận (Đại Từ) - hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu rau an toàn liên kết với Thái Cương cho biết: “Khi đã ký kết với doanh nghiệp, thuận lợi ở chỗ đến kỳ thu hoạch là họ thu gọn hết, giá theo giá thị trường và quan trọng là họ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm nơi doanh nghiệp bán ra. Cách làm này, người làm ra rau an toàn không phải mang từng mớ rau của mình tìm đến cơ quan kiểm định để thử mẫu xác định chất lượng nữa”. Bác sĩ Đàm Văn Bút, Phó Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Thực hiện kinh doanh thực phẩm quy về một mối như vậy thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, nêu cao tin thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Mọi điều kiện về Y tế, Nông-lâm-ngư nghiệp, Công thương doanh nghiệp chịu trách nhiệm hoàn toàn. Kinh doanh nhỏ lẻ sẽ khó có thể lo đủ xác nhận của nhiều cơ quan như vậy trong cùng thời điểm”.