Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đã mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân. Theo khảo sát của chúng tôi, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định và không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Mở cửa hoạt động trở lại từ ngày mùng 6 Tết, chợ Thái đã thu hút đông đảo người dân đến mua các mặt hàng thực phẩm như: Rau xanh, hoa quả, măng tươi, cá, thị gà, thịt bò… Còn các mặt hàng khô như: Mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến hay các thực phẩm chín như: Nem, giò, chả, thịt quay… thì rất ít khách so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Long Thảo, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả trong chợ Thái cho biết: Sau Tết, nhu cầu tiêu thụ các loại rau xanh tăng mạnh, nhưng do thời tiết nắng ấm, rau xanh sinh trưởng, phát triển tốt, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau xanh vẫn ổn định.
Hiện cũng là thời điểm bà con tập trung thu hoạch rộ các loại rau màu để làm đất gieo cấy lúa xuân nên có một số loại rau giá còn hạ so với ngày thường, như: Bắp cải 8 nghìn đồng/kg (giảm 2 nghìn đồng/kg); xà lách 10 nghìn đồng/kg (giảm 5 nghìn đồng/kg); cải ngồng 13 nghìn đồng/kg (giảm 3 nghìn đồng/kg); su hào 10 nghìn đồng/kg (giảm 2-5 nghìn đồng/kg)… Còn chị Phùng Thị Hằng, một hộ kinh doanh đồ ăn chín thì cho biết: Nhà tôi mở hàng từ ngày mùng 6 Tết để lấy may chứ cũng chưa bán được nhiều vì sức mua kém, lượng hàng hóa giao dịch chỉ bằng 10% so với những ngày cận Tết. Thông thường, từ ngày 12 tháng Giêng trở đi, hoạt động mua bán tại chợ sẽ sôi động trở lại vì nhu cầu sắm đồ lễ thắp hương Rằm.
Đối với các mặt hàng thuỷ sản, sức mua lớn nhưng cũng không có hiện tượng tăng giá đột biến. Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số chợ như: Đồng Quang, Túc Duyên, Dốc Hanh, chợ Thái… cá chép, cá trắm có giá từ 60-80 nghìn đồng/kg tuỳ loại; cá rô phi 40 nghìn đồng/kg, tôm từ 300-380 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 5% so với trước Tết. Anh Nguyễn Văn Vũ, chủ cửa hàng hải sản Tuyết Hương, ở đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mùng 4 Tết, nhà tôi đã mở hàng để phục vụ nhu cầu của người dân. Từ ngày mùng 3 đến mùng 4 Tết, giá cả các loại cá, tôm có tăng khoảng 10-15% nhưng đến ngày mùng 5, 6 giá cả trở lại bình thường. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đa dạng các loại mặt hàng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nên không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, cháy hàng.
Theo khảo sát của chúng tôi, các mặt hàng khác như: Thịt gà ta loại ngon có giá khoảng 120-140 nghìn đồng/kg; thịt lợn nạc vai, thịt thăn giá từ 80-100 nghìn đồng/kg; sườn 110 nghìn đồng/kg; thịt bò giá từ 230-250 nghìn đồng/kg… tương đương với thời điểm cận Tết. Nhìn chung, nguồn hàng và giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết năm nay khá ổn định, không có chuyện tăng giá đột biến. So với những năm trước, sau Tết Nguyên đán 2019, sức mua thực phẩm đến thời điểm này vẫn chưa cao, trừ các mặt hàng tươi sống.
Nguyên nhân là do lượng thực phẩm dự trữ trước Tết của người dân vẫn còn nhiều. Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng có bán đầy đủ, đa dạng các loại mặt hàng sinh hoạt thiết yếu với giá cả ổn định, chất lượng sản phẩm bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Chị Phạm Thu Giang, ở tổ 7, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Sau Tết, tủ lạnh nhà tôi vẫn còn nhiều thịt lợn nên tôi đi chợ chủ yếu mua rau xanh và các loại hải sản để đổi món. Theo quy luật, sau Tết, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả thường tăng mạnh so với trước Tết nhưng năm nay, giá cả tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Vì vậy, tôi khá thoải mái chọn mua hàng mà không lo chuyện giá quá cao như mọi năm.
Có thể thấy, việc giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết Nguyên đán giữ được ổn định là tín hiệu vui trong việc bình ổn thị trường, tạo tâm lý phấn khởi trong nhân dân. Có được những kết quả đó là do các cấp, các ngành đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến và vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, dễ dàng nhận thấy, thói quen của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, giảm bớt việc mua sắm, tích trữ hàng hoá vì lo giá cả tăng đột biết sau Tết như vài năm trước đây.