Không lo hàng hóa khan hiếm và tăng giá là khẳng định của đại diện nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh chiều 28-3. Ngoài ra, để giúp khách hàng thuận tiện trong việc chọn mua sản phẩm, giảm tối đa thời gian mua hàng, các siêu thị, cửa hàng còn tăng số lượng nhân viên phục vụ và tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Để giúp người dân không cần lo tích trữ hàng hóa trong thời gian thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cũng là để việc bán hàng trở nên thuận tiện, các siêu thị, cửa hàng đã trưng bày tối đa hàng hóa trên tất cả các kệ, đặc biệt là các sản phẩm mì tôm, mì gạo, hàng đông lạnh... Một số siêu thị như Vinmart, Lan Chi… còn triển khai chương trình khuyến mại đối với nhiều sản phẩm như dầu ăn, giấy đa năng, trái cây… với mức giảm từ 20-45%...
Qua số liệu thống kê đơn hàng trong ngày của một số siêu thị, người dân đi mua sắm trong ngày 28 và 29-3 tăng khoảng 2-3 lần so với những ngày trước đó và giá trị mỗi đơn hàng cũng cao hơn khá đáng kể, chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt, cá, dầu ăn. Theo bà Lê Thị Kim Dung, Trưởng ngành hàng thực phẩm Siêu thị Lan Chi: Đề phòng nhu cầu mua hàng của người dân có thể tăng cao đột biến do hạn chế ra ngoài LanChi đã chủ động dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Cùng với đó, đã ký hợp đồng đối với các nhà cung cấp để khi lượng hàng trong kho cạn sẽ được cung cấp kịp thời. Tại tổng kho của Lan Chi cũng có sự chuẩn bị lượng hàng đủ lớn để đáp ứng cho các Chi nhánh. Với một số hàng hóa thiết yếu, Siêu thị dự trữ đủ để bán đến hết tháng 6. Riêng mặt hàng rau xanh, đơn vị đã chủ động làm việc với nhà cung cấp (trên địa bàn tỉnh) để có sự chuẩn bị và đáp ứng theo nhu cầu hàng ngày.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kho hàng của Siêu thị Lan Chi.
Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Quản lý bán hàng Siêu thị Minh Cầu: 2 ngày vừa qua, đa phần người dân đều có sự chuẩn bị trước từ nhà danh sách những thứ cần mua nên khi đến Siêu thị mọi người chọn khá nhanh để ra về. Tuy nhiên, do nhu cầu đi chợ 1 lần dùng cho nhiều ngày, thậm chí cả tuần nên lượng hàng phục vụ cho bữa cơm của các gia đình được gia tăng trong mỗi hóa đơn. Bà Hà cũng khẳng định: Sẽ không có chuyện Siêu thị lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, vì Công ty chúng tôi đã trả tiền trước cho nhà cung cấp để đặt hàng. Trong trường hợp hàng hóa tăng giá đầu vào, Công ty sẽ có chính sách bình ổn để người dân vẫn được mua theo giá Siêu thị niêm yết. Siêu thị cũng tăng cường phục vụ khách thông qua hình thức online và phương thức này đã phát huy hiệu quả rất tốt khi mà doanh số bán hàng qua loại hình này hiện tăng tới hàng trăm lần so với lúc chưa có dịch…
Được biết, một số siêu thị lớn cũng đã lên kịch bản ứng phó với tình huống khi có quá đông người cùng đến mua sắm một lúc, không đảm bảo cho việc phòng chống dịch bệnh.
Qua trao đổi với đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh chúng tôi được biết, các cơ quan này đều cử cán bộ giữ liên hệ thường xuyên với các siêu thị lớn để nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nhằm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc đẩy giá bán lên cao.