Theo dõi nguồn thu từ tài nguyên đất của tỉnh năm 2016 đến nay, chúng ta sẽ thấy có sự tăng trưởng rất ấn tượng trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh đã có năm cán mốc gần 2.600 tỷ đồng (chưa tính tiền thuê đất; thuế đất phi nông nghiệp, nông nghiệp; lệ phí trước bạ). Con số này đã khẳng định thị trường bất động sản trong tỉnh khá sôi động, nhu cầu đất ở, kinh doanh quyền sử dụng đất, cất giữ tài sản bằng quyền sử dụng đất… đều cao.
Lợi thế hình thành thị trường bất động sản
Biểu đồ về thu tiền sử dụng đất Năm 2015: Dự toán của tỉnh: 600 tỷ đồng; kết quả thực hiện 841,3 tỷ Năm 2016: Dự toán của tỉnh: 400 tỷ; kết quả thực hiện 1.214 tỷ đồng Năm 2017: Dự toán của tỉnh: 650 tỷ; thực hiện 2.504 tỷ đồng Năm 2018: Dự toán của tỉnh: 1.300 tỷ; thực hiện 2.558,6 tỷ đồng Năm 2019: Dự toán của tỉnh: 1.548 tỷ; thực hiện 1.700 tỷ đồng Năm 2020: Dự toán của tỉnh thu tỉnh: 1.800 tỷ đồng. |
Không thể ví Thái Nguyên có lợi thế về bất động sản như các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và các tỉnh được thiên nhiên ưu đãi khi có các bãi biển, khu du lịch nổi tiếng, như: Quảng Ninh, Khánh Hòa… Nhưng Thái Nguyên lại có những lợi thế khác để hình thành thị trường bất động sản, như: Là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội; trung tâm giáo dục lớn thứ 3 cả nước; nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Quân khu 1, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước nên tập trung hàng vạn cán bộ đến địa phương công tác, định cư lâu dài. Về dân số, Thái Nguyên đã đạt ngưỡng 1,3 triệu người nên nhu cầu đất ở tăng tất yếu do chia tách hộ gia đình ra ở riêng hàng năm. Đặc biệt, Thái Nguyên là địa phương mới “nổi” trong đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành; nguồn tài chính dồi dào khi người dân nhận tiền đền bù tại các dự án được triển khai. Đây là nguồn tài chính nhàn rỗi được không ít người dân dành đầu tư vào bất động sản. Trong hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các bộ, ngành tổ chức năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội nên kinh tế sẽ có nhiều điều kiện để phát triển như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh. Kinh tế phát triển tất yếu tạo ra nguồn lực rất lớn cho xã hội và đây là điều kiện căn bản nhất để tạo đà, thúc đẩy lĩnh vực bất động sản của địa phương phát triển nhanh, đa dạng.
Thu hút nhiều nhà đầu tư
Với những lợi thế nêu trên nên không chỉ có các doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, như: Công ty cổ phần Đầu tư Thái Nguyên; Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ; Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng; Công ty cổ phần Hải Đăng; Công ty TNHH Hữu Huệ và một số doanh nghiệp khác mà nhiều nhà đầu tư bất động sản tầm quốc gia như: Tập đoàn Vingruop; Công ty cổ phần Sông Đà 2; Tập đoàn Danko; Tập đoàn FLC đã, đang có các dự án triển khai hoặc đang nghiên cứu tại T.P Thái Nguyên và một số huyện, thành, thị trong tỉnh góp phần tạo “tiếng vang”, sự chuyển động tích cực trong lĩnh vực bất động sản của địa phương. Đi sau các dự án lớn là các công ty môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản được thành lập và đi vào hoạt động trên 500 nhân viên được đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng, ‘‘đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tư vấn kinh doanh; hướng dẫn thủ tục mua, bán quyền sử dụng đất khi khách hàng có nhu cầu; góp vốn vào các dự án bất động sản. Ông Nguyễn Thế Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư bất động sản FCS cho biết: Lượng người dân Thái Nguyên có tiền trên 1 tỷ đồng gửi ngân hàng rất lớn nhưng còn e ngại đầu tư vào bất động sản vì lo thủ tục sang nhượng; giải quyết các thủ tục liên quan và chưa nắm được nhiều thông tin về quy hoạch của cấp có thẩm quyền...Các đơn vị tư vấn, phân phối đã giải tỏa những mối lo ngại này và bảo lãnh cho bên mua, bên bán từ khi đặt cọc, lập hợp đồng chuyển nhượng cho tới việc ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tỷ lệ giao dịch bất động sản tăng đều thời gian đây. Ngoài những dự án bất động sản do các nhà đầu tư thực hiện trên phạm vi vài chục hécta thì từ năm 2017 trở lại đây ở các địa phương trong tỉnh đều có các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện “cụm dân cư” trên phạm vi vài nghìn mét vuông có đầy đủ hạ tầng trong khu vực dân cư hiện có để bán lẻ và đem lại hiệu quả thiết thực khi thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận khá.
Thông qua sàn giao dịch, công ty môi giới, nhiều khách hàng muốn mua nhà, đất tại các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm đa dạng
Do có nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án bất động sản với quy mô khác nhau và hướng tới mọi đối tượng khách hàng nên đã tạo ra khối sản phẩm bất động sản trong tỉnh là căn hộ, đất nền, shophouse (vừa ở vừa kinh doanh) vô cùng phong phú. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện các sàn bất động sản, công ty môi giới được ủy quyền giao dịch quỹ đất có trị giá từ 250 triệu đồng/ lô đến trên 10 tỷ đồng/lô; nhà ở liền kề cũng đủ loại giá, bình dân có, sang trọng có. Riêng căn hộ chung cư của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG và một số đơn vị khác đã xây dựng quy mô căn hộ nhỏ, vừa, hiện đại để có mức giá trên 600 triệu đồng/căn đến 1,2 tỷ đồng/căn và có các chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho khách hàng. Điều khác biệt là từ năm 2018 trở lại đây đã có lượng lớn khách hàng ngoại tỉnh (chủ yếu là người Hà Nội và Bắc Ninh) thông qua sàn giao dịch, công ty môi giới tham gia góp vốn, mua nhà, đất tại một số dự án trên địa bàn T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản năm 2020 của Thái Nguyên sẽ có ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bởi giá vàng tăng, hạ bất thường; giá xăng dầu giảm sâu; lãi suất tiền gửi cơ bản ổn định ở mức thấp trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ rủi ro đối với nhiều ngành nghề nên lĩnh vực bất động sản sẽ là kênh đầu tư, cất giữ an toàn, hiệu quả hơn cả. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Thái Nguyên không tăng trưởng bất thường như một số địa phương trong nước mà sẽ chững với từng nhóm đối tượng khách hàng khi cung vượt cầu. Do vậy, các nhà đầu tư chỉ thành công khi nghiên cứu kỹ thị trường, tìm được “khoảng trống” để hướng tới từng nhóm đối tượng khách hàng, nhất là nhóm khách hàng có thu nhập thấp, cần nơi ở có giá từ 600-800 triệu đồng/lô đất hoặc nhà, căn hộ chưng cư.