Thị trường hàng hóa sau giãn cách: Cần thêm thời gian để “bình phục”

17:01, 13/05/2020

Sau những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc giãn cách xã hội được nới lỏng, hầu hết các loại hình kinh doanh đã được mở cửa trở lại, đường phố trên địa bàn tỉnh cũng trở nên đông vui, tấp nập hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ số ít mặt hàng có lượng khách mua sắm nhiều, còn lại phần lớn vẫn trong tình trạng “èo uột”, cần thêm thời gian mới có khả năng bình thường trở lại.

Ông Nguyễn Thành Long, Quản lý Nhà hàng Sao Bắc, đường Minh Cầu chia sẻ: Bắt đầu từ ngày 28-4, Nhà hàng chúng tôi mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những ngày qua, lượng khách khá thưa thớt, phần do tâm lý người dân vẫn chưa yên tâm; phần do đã bước vào mùa hè nắng nóng. Cộng với đó là các cơ quan, đơn vị vẫn chưa tổ chức liên hoan tập thể. Tôi cho rằng, phải ngoài tháng 6, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt thì lượng khách mới trở lại như mọi năm. Hiện, Nhà hàng đang áp dụng nhiều chế độ ưu đãi dành cho khách hàng như miễn phí âm thanh, tặng bánh sinh nhật… để thu hút khách. 

Còn theo ông Trương Minh Tâm, chủ Cửa hàng Nội thất Tâm Tú, số nhà 99, đường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên: 4 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của Cửa hàng chỉ bằng khoảng 25% so với cùng kỳ những năm trước. Lượng khách giảm cả ở khối các cơ quan, đơn vị, cả khách hàng cá nhân, do Nhà nước hạn chế việc mua sắm. Tôi đã phải giảm lao động từ 3 xuống còn 2 người và mức lương cũng chỉ có thể trả được 4 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 3 triệu đồng/người/ tháng so với trước đó. Nếu như trước đây, trung bình mỗi sản phẩm chúng tôi có lãi từ 7-8%, thậm chí là 10%, thì nay, lãi 5% là chúng tôi đã bán. 

Đối với mặt hàng quần áo, giày dép, mặc dù đây là thời điểm mà nhiều người có nhu cầu đi mua sắm nhưng nhìn chung so với cùng kỳ mọi năm chỉ bằng 60-70%. Theo bà Trần Thị Ngọc Oanh, chủ Cửa hàng Dệt may Xuất khẩu Việt Nam, tổ 28, đường Hoàng Ngân thì do thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng, cộng với tâm lý tình hình dịch bệnh chưa biết sẽ diễn biến tiếp theo thế nào nên nhiều người có tâm lý chủ động tiết kiệm tối đa, đề phòng bất trắc. Họ chỉ mua những gì thực sự cần thiết. Vì thế, thời gian này, chỉ có bộ đồ mặc ở nhà và quần áo lót là bán được nhiều, còn lại quần áo công sở bán rất chậm. Đối với mặt hàng thời trang cao cấp hơn, lượng mua thậm chí chỉ bằng 30-40% so với trước.

Khác với sự vắng vẻ của nhiều mặt hàng, tại các siêu thị điện máy, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, sức mua của người dân trong những ngày này tăng khá cao. Ông Mai Thanh Tùng, Quản lý Siêu thị Điện Máy Xanh, trên đường Lương Ngọc Quyến, phường Hoàng Văn Thụ cho hay: Năm nay, theo dự báo, nắng nóng sẽ rất gay gắt. Chính vì thế, khoảng 10 ngày nay, khi nhiệt độ tăng cao, lượng khách hàng đến mua mặt hàng điện lạnh tại Siêu thị tăng nhanh so với thời điểm trước đó, tuy nhiên so với cùng kỳ thì vẫn giảm khoảng 20%. Hiện, bình quân mỗi ngày, chúng tôi bán ra từ 40-45 chiếc điều hòa và hàng trăm quạt điện các loại. Trong đó, quạt tích điện được nhiều người lựa chọn. Thời gian này, Siêu thị vẫn đang tiếp tục áp dụng chương trình khuyến mại dành cho khách hàng khi mua một số sản phẩm, trong đó có mặt hàng điều hòa, như: Miễn phí công lắp đặt, miễn phí tối đa 5 mét ống đồng/máy; lắp đặt ngay trong ngày nếu đặt mua trước 12 giờ…

Còn tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, đường Lương Ngọc Quyến, phường Quang Trung, theo ông Nguyễn Văn Trường, Quản lý Trung tâm: Từ đầu tháng 4 đến nay, Nguyễn Kim đã và đang triển khai chương trình đồng hành cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID-19. Theo đó, trên 40.000 sản phẩm gồm: Tivi, laptop, tủ lạnh, đồ gia dụng… được giảm giá lên tới 15%. Nhờ đó, số lượng khách đến với Nguyễn Kim khá đông, đặc biệt là ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Nhằm thu hút khách hàng, nhiều trung tâm điện máy đã đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Trong ảnh: Các thông tin khuyến mại được Điện Máy Xanh, trên đường Lương Ngọc Quyến giới thiệu trước mặt Cửa hàng.

Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Sau thời gian giãn cách xã hội, đến nay, phần lớn cơ sở kinh doanh đều đã mở cửa trở lại. Qua kiểm tra và nắm bắt của lực lượng Quản lý thị trường, chỉ có mặt hàng thịt lợn là có giá tăng nhẹ, còn lại các mặt hàng khác đều khá dồi dào, giá cả ổn định. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm giả tạo, định giá hàng hóa bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang tăng cường kiểm tra, rà soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại ở tất cả các địa phương. Đồng thời khuyến cáo người dân nếu phát hiện cơ sở kinh doanh nào có biểu hiện kinh doanh thiếu lành mạnh cần thông tin với lực lượng chức năng để xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Có thể nói, với việc kiểm soát rất tốt dịch COVID-19 nên gần 1 tháng qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, vì thế các hoạt động sinh hoạt, mua bán của người dân cơ bản đã bình thường trở lại. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động buôn bán, sản xuất. Tuy nhiên, với khoảng thời gian gần 3 tháng diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến nhiều người dân dần thay đổi cách chi tiêu, mua sắm, điều này đang đặt ra cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cần tiếp tục có những phương thức, hình thức bán hàng phù hợp để có thể đáp ứng và đủ khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nhiều người dân thắt chặt chi tiêu.