Toàn tỉnh hiện có 4 chợ hạng I, trong đó 3 chợ nằm ở T.P Thái Nguyên gồm: Chợ Thái, chợ Đồng Quang, chợ Túc Duyên. Đây là những chợ nằm ở vị trí đẹp, được đầu tư hạ tầng thương mại tương đối hoàn chỉnh. Thế nhưng 2/3 chợ ở đây đang trong cảnh đìu hiu, nhiều tiểu thương đã phải bỏ quầy do vắng khách.
Chợ Thái được đưa vào sử dụng từ năm 2009, có quy mô lớn với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, hạ tầng thương mại thuộc tốp hiện đại nhất trong số các chợ hạng I trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng đìu hiu, vắng vẻ. Khu vực tầng 1 của chợ, mặc dù bày bán đủ các loại mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách đến hóa mỹ phẩm... nhưng có rất ít người đến mua sắm. Trên tầng 2, không khí mua bán còn buồn tẻ hơn, hàng dài tiểu thương ngồi “chầu trực” với lác đác vài khách ra vào. Nhiều tiểu thương tìm cách “giết” thời gian bằng việc chơi game qua điện thoại hoặc tụ họp tán gẫu. Nhiều quầy đã đề biển thanh lý.
Chị Nguyễn Thị Quyên, một tiểu thương bán quần áo than thở: Nhiều năm qua không có khách mua hàng nên chị em cứ lần lượt theo nhau bỏ chợ đi làm ăn nơi khác. Nay 2/3 số quầy đã phải đóng cửa. Một tiểu thương khác, chị Nguyễn Thị Phương bày tỏ nỗi lo: Năm 2009, tôi phải thế chấp bìa đỏ căn nhà của gia đình để vay ngân hàng hơn 350 triệu đồng đầu tư vào quầy bán quần áo này. Những năm đầu việc buôn bán khá thuận lợi, nhưng vài năm trở lại đây, việc buôn bán càng ngày càng ế ẩm, muốn từ bỏ cũng không được vì tiền thuê cửa hàng đã trả trước.
Giống như chợ Thái, chợ Đồng Quang một thời nhộn nhịp nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hằng ngày, việc mua bán diễn ra yên ắng ngoại trừ khu vực bán hàng thực phẩm. Nhiều ki-ốt trong tầng 1 và tầng 2 cửa đóng im lìm. Thời gian qua, Ban Quản lý chợ Đồng Quang đã phải chuyển hướng cho các đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ, giải trí (quán bar, thể dục thẩm mỹ, ẩm thực)...
Theo ông Nguyễn Tân Chính, Trưởng phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương): Đa phần các chợ này hoạt động theo hình thức thương mại truyền thống (giao dịch trực tiếp giữa người bán - người mua), sự cạnh tranh của thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị khiến việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ đi vào ngõ cụt, hàng quán ế ẩm. Ngoài ra, người lao động có thu nhập ở mức trung bình (công nhân, nhân viên công sở...) - khách hàng tiềm năng của các chợ này hiện vẫn giữ thói quen “chợ cóc - tiện đâu mua đấy”.
Ngoài nguyên nhân khách quan, cũng cần phải nhìn nhận lại chất lượng hàng hóa, dịch vụ bán hàng và công tác quản lý tại các chợ. Ông Nguyễn Minh Tuấn, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vài lần tôi đến mua sắm ở chợ Thái nhưng 18 giờ là khu vực nhà gửi xe của chợ đã nghỉ. Phía trước cổng chợ hàng quán bày bán tràn lan, không còn chỗ đỗ xe ô tô. Sự bất tiện đó khiến tôi cảm thấy ngại khi vào đây mua sắm. Chị Lê Thị Huyền, phường Đồng Quang chia sẻ: Tôi thấy các mặt hàng ở chợ thường không niêm yết giá, bản thân tôi ngại mặc cả nên thường lựa chọn mua sắm tại siêu thị. Người trực tiếp quản lý chợ, chị Dương Thị Thoa, Trưởng phòng Hành chính, Chi nhánh Công ty CP Trung Tín - Ban Quản lý chợ Thái cho hay: Do không bán được hàng nên cũng có tiểu thương trong chợ gặp khách là “chặt chém” giá, mặc dù chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã khiến khách hàng e sợ, khách đã vắng nay lại càng vắng hơn.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Tân Chính nêu ý kiến: Trước hết cần phải ngăn chặn tình trạng chợ tự phát, riêng vấn đề này đã là một thách thức không nhỏ vì liên quan đến vai trò của nhiều sở, ngành cùng sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Người dân cũng thay đổi thói quen tùy tiện mua hàng không rõ nguồn gốc ở các chợ cóc, chợ tự phát. Hơn nữa, để tồn tại và phát triển thì các tiểu thương cần nhắm đến thị hiếu mua sắm của người dân, làm tốt khâu quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn hàng, đa dạng các dịch vụ thương mại, thay đổi thái độ phục vụ và cần có tư duy mới về cách bán hàng.