Khó niêm yết giá tại các chợ truyền thống

16:51, 11/07/2020

Niêm yết góp phần bình ổn giá, bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ cũng đã quy định cụ thể việc việc niêm yết giá hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... Tuy nhiên, hiện nay, ngoại trừ các siêu thị, chi nhánh, cửa hàng bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết thì hầu hết chợ truyền thống đang phớt lờ quy định này. 

Chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) là chợ đầu mối rau, củ, quả lớn nhất trong tỉnh với quy mô trên 450 tiểu thương hoạt động. Tuy vậy, khi đến đây, người mua thật khó để tìm được một tấm biển niêm yết giá ở các sạp rau, củ, quả. Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán nông sản tại chợ phân trần: Rau, củ quả tôi nhập từ các tỉnh, thành khác nhau nên mỗi nơi một giá. Chưa kể, giá mặt hàng thay đổi liên tục trong ngày thậm chí từng giờ và có đến hằng trăm loại mặt hàng nên niêm yết giá mất rất nhiều thời gian.
 
Tương tự ở chợ Tân Long, chợ Quan Triều (T.P Thái Nguyên), tình trạng không niêm yết giá cũng diễn ra rất phổ biến, từ đồ gia dụng, quần áo đến thịt, cá, rau, củ quả... ngoại trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp lên bao bì sản phẩm. Bà Dương Thị Thiêm, tiểu thương tại chợ Tân Long cho hay: Do người tiêu dùng có thói quen “thuận mua vừa bán” nên có niêm yết giá sản phẩm thì nhiều người vẫn mặc cả, trả giá. 
 
Chị Nguyễn Lệ Quyên, ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Có lần, tôi mua 1 chiếc áo sơ-mi ở chợ Thái, người bán nói giá 300 nghìn đồng. Nhưng khi tôi trả xuống 250 nghìn đồng thì họ đồng ý bán luôn. Sau tìm hiểu, tôi mới biết mình vẫn bị mua đắt. Cũng kể từ lần đó trở đi, tôi rất e ngại chợ truyền thống và thường xuyên tới siêu thị để mua hàng, bởi mọi thứ được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
 
Theo ông Chu Quốc Khánh, Cục phó Cục Quản lý Thị trường: Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán đúng giá niêm yết; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 175 vụ việc vi phạm về giá, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019 với số tiền nộp phạt là 164,5 triệu đồng. Tuy nhiên, do thói quen “mặc cả” của người tiêu dùng, khiến các chợ truyền thống vẫn khó thực hiện đầy đủ quy định niêm yết giá các mặt hàng. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại và bản thân nhiều người tiêu dùng còn chưa quan tâm đến quyền lợi của chính mình.
 
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và hướng dẫn tiểu thương tại các chợ thực hiện niêm yết giá và bán giá theo niêm yết; tuyên truyền rộng rãi người tiêu dùng về mua các sản phẩm có niêm yết giá; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các tiểu thương vi phạm nhằm thay đổi thói quen bán hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng - ông Chu Quốc Khánh cho biết thêm.