Quyết liệt ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

09:05, 18/09/2020

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, từ đầu năm đến nay, thị trường địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá của một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế... có sự biến động. Việc kinh doanh các loại hàng giả gây nguy hại đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng như: Thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện tình trạng hàng hóa với giá rẻ, vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam sau đó bị thay đổi nhãn mác ghi là hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Một số đối tượng có biểu hiện đầu cơ, gây khan hiếm giả để trục lợi, đẩy giá một số mặt hàng tăng cao hơn so với giá thị trường, dẫn đến việc gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. 
 
Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm trên các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh tuy đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng hóa đơn hợp pháp để quay vòng vận chuyển hàng hóa. Khi chuẩn bị đến địa bàn tỉnh thì tập kết, chia nhỏ số lượng hàng nhằm chống lại sự phát hiện, gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ của các cơ quan chức năng. 
 
Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn và chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để ổn định thị trường, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. 
 
Từ đầu năm đến nay, các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, thị xã; lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, xử lý  2.147 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế, trị giá hàng bán, tiêu hủy trên 10,5 tỷ đồng. Trong đó, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 401/429 lượt đối tượng, doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 529 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hành chính, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy lên đến gần 1,4 tỷ đồng; Cục Thuế đã thanh tra, kiểm tra đối với 461 tổ chức, cá nhân, tổng số tiền truy hoàn, truy thu và tiền phạt là trên 8,05 tỷ đồng; ngành Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra, xử lý 127 vụ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm và tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu gần 739 triệu đồng, tịch thu 1.136 m3 gỗ loại quý hiếm và 8.519m3 gỗ loại khác... 
 
Lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (Cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) cho biết, mặc dù thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, các vụ vi phạm đã giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên rất khó đoán định tình hình, do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là đối tượng buôn bán hàng cấm ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebokk để liên lạc, khi trao đổi thường dùng tiếng "lóng", hoặc sử dụng từ ngữ xã hội khác để ngụy trang cho mặt hàng, giá và phương thức giao dịch; sử dụng các tài khoản ảo, không có thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin giả khiến việc tiếp cận, xác minh, điều tra làm rõ gặp nhiều khó khăn. 
 
Từ nay đến cuối năm, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các địa phương, ngành, đơn vị chức năng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, dược phẩm, các loại thực phẩm chế biến. Xác minh và xử lý kịp thời đối với các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý nghiêm đối với hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và những mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, qua đó giữ vững sự ổn định của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.