Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua hàng hóa của người dân tăng mạnh nên đây là thời điểm mà nhiều tiểu thương lợi dụng để tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường, đặc biệt là vào các chợ vùng nông thôn để bán. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng trên địa bàn đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn, nhằm giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng đúng chất lượng…
Những ngày cận Tết Nguyên đán, chợ Thượng Nung, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đông vui, tấp nập hơn hẳn những ngày chợ phiên khác. Bà con từ các xóm, như: Lũng Luông, Lung Hoài, Lũng Cà cũng nô nức xuống chợ mua sắm hàng hóa để chuẩn bị đón Tết. Nhưng để lựa chọn những mặt hàng đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng thì không phải ai cũng nắm rõ. Chị Dương Thị Ngọc, ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung cho biết: Tôi không nắm rõ thế nào là hàng thật hàng giả, chú yếu xem hàng hóa có mức giá vừa với túi tiền của mình không, đối với hàng hóa là thực phẩm thì chỉ quan tâm đến hạn sử dụng…
Còn anh Lý Văn Dĩa, ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung chia sẻ: Ở mỗi phiên chợ, chính quyền địa phương đã phát loa để bà con nhận biết hàng thật, giả nhưng tôi cũng không nắm rõ hết được. Phần lớn là mua quần áo, giày dép, bát đũa nên chỉ hỏi giá mà không hỏi xuất xứ, tem, nhãn mác. Đối với bánh kẹo, thực phẩm cùng lắm là xem hạn sử dụng…
Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Lợi dụng kiến thức tiêu dùng còn hạn chế của bà con, không ít tiểu thương đã trà trộn hàng kém chất lượng đưa về chợ để bán, nhất là vào dịp Tết. Vì vậy, chính quyền địa phương ngoài việc phát loa tuyên truyền cho bà con nâng cao cảnh giác còn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra các tiểu thương buôn bán trong chợ và cả nhưng tiểu thương từ nơi khác đem hàng hóa đến bán.
Còn tại chợ Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), để phục vụ bà con mua sắm Tết, năm nay, hàng hóa được tiểu thương bày bán khá đa dạng, từ thực phẩm đến quần áo, đồ gia dụng, với các mức giá khác nhau. Phần lớn hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam, một số hàng mang nhẵn hiệu Trung Quốc (giày, dép quần áo). Chị Nguyễn Thị Hải, nhà ở xóm Đồng Vùng, xã Hòa Bình cho biết: Tôi đi chợ mua ít quần áo cho bản thân và các con để đi chơi Tết. Mức giá thì chỉ khoảng 200.000 đồng một chiếc trở lại là hợp với túi tiền của mình. Còn hàng hóa có xuất xứ ở đâu cũng không nắm rõ…
Qua khảo sát tại nhiều chợ ở vùng nông thôn, chúng tôi thấy, phần lớn bà con vẫn còn chủ quan, chủ yếu hỏi mức giá, xem mẫu mã mà chưa quan tâm nhiều đến xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Ông Vũ Anh Long, Trưởng Ban Quản lý chợ Hích, xã Hòa Bình cho biết: Chính quyền địa phương đã tiến hành thông báo trên loa phát thanh để nâng cao kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng thật, hàng kém chất lượng đối với người dân. Tuy nhiên, chỉ một số ít người dân là quan tâm đến hàng thật, hàng giả, nguồn gốc xuất xứ…
Ông Nguyễn Xuân Tuyến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 (phụ trách 3 huyện, gồm: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình) cho biết: Năm nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đã giảm nhiều ở các chợ nông thôn bởi cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý ở những điểm phân phối và trên Quốc lộ 1B (tuyến đường có thể hàng nhập lậu đi qua). Qua đó, phát hiện, xử lý một số trường hợp vận chuyển hàng lậu. Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền đến bà con về kiến thức tiêu dùng qua 3 hình thức: phối hợp với các xã thông báo trên trên loa phát thanh, tuyên truyền trong quá trình đi kiểm tra, tổ chức hội nghị để phổ biến đến lãnh đạo các xã và người dân. Tuy nhiên, tình trạng bà con ở vùng nông thôn chủ yếu quan tâm đến mức giá, ít quan tâm đến xuất xứ, tem, nhãn mác vẫn còn khá phổ biến.
Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý vấn đề hàng giả, hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, nhưng cũng khó có thể triệt để hoàn toàn. Vì vậy, người dân cần nâng cao kỹ năng tiêu dùng: kiểm tra rõ xuất xứ nguồn gốc, nhãn mác rõ dàng.