Cứ vào dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại gia tăng đáng kể, nên các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh việc kiểm tra, kiết soát nhằm ổn định thị trường phục vụ Tết. Chỉ sau 1 tháng ra quân (từ ngày 18/12/2020), Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm, với tổng giá trị hàng hóa tịch thu và số tiền dự kiến xử phạt lên tới 1,05 tỷ đồng. Theo dự báo, tình hình này sẽ còn nóng hơn trong những ngày tới.
Trong kết quả bước đầu của đợt ra quân dịp cuối năm này của Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đó là có tới 4/7 vụ vi phạm liên quan đến việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (mua bán online). Trong đó có 2 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu là đồ gia dụng, hàng thực phẩm, mỹ phẩm; 1 vụ kinh doanh hàng cấm (gần 1.000 bao thuốc lá chủ yếu là loại 555); 2 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (gần 5,7 tấn quần áo cũ) và 1 vụ giả mạo nhãn hiệu thời trang CHANEL (với 1.186 bộ quần áo). Điểm đáng chú ý là các vụ vi phạm này đều được phát hiện thông qua tin báo của quần chúng nhân dân. Địa điểm xảy ra đều trên địa bàn T.P Thái Nguyên.
Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, cũng là lúc nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng để trà trộn ra thị trường các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, cận hạn hoặc hết hạn sử dụng. Năm 2020, do xuất hiện dịch COVID-19, có một thời gian cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội và được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc nên người dân đã ngày càng quen với với việc mua bán online. Do các cửa hàng kinh doanh online thường không có biển hiệu, không có địa điểm kinh doanh cố định hiện hữu, không đăng ký kinh doanh, hoạt động chủ yếu trên môi trường mạng nên việc phát hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng cũng trở nên khó khăn hơn so với các cửa hàng kinh doanh truyền thống.
Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là sự tham gia tố giác của quần chúng nhân dân nên chỉ trong 1 tháng ra quân, Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện và xử lý được 7 vụ.
Thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, sở dĩ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển là do ý thức tìm hiểu thông tin, mua và sử dụng hàng hóa của không ít người dân vẫn còn khá dễ dãi. Thậm chí nhiều người biết đó là hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn mua, thậm chí còn cố tình tìm mua các loại hàng giả thương hiệu, để thể hiện bản thân; số khác thì không cần quan tâm đó là hàng gì, chỉ biết thấy vừa mắt, phù hợp túi tiền là mua… Thực tế này đang trở thành nguyên nhân giúp các đối tượng buôn lậu vẫn còn “đất” sống màu mỡ.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục gia tăng các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… Do đó, các ngành thành viên Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh và các huyện, thành, thị sẽ đẩy mạnh việc ra quân để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung mạnh vào các đối tượng đầu nậu, đầu mối, kinh doanh lớn. Để giúp cho công tác này của lực lượng chức năng đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực của người dân trong việc cung cấp thông tin đến lực lượng chức năng để tố giác các hành vi vi phạm. Đây cũng chính là biện pháp thiết thực, hữu hiệu để góp phần vảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh.