Bắc cầu đưa nông sản Việt sang Nhật Bản

07:48, 03/06/2021

Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản 2021 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 2/6 theo hình thức trực tuyến.

“Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản vẫn đạt 16 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung bởi Nhật Bản có nhu cầu lớn về nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, trong khi Việt Nam có lợi thế lớn về sản xuất các mặt hàng này. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên có nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp, nhất là triển vọng hợp tác cùng gia nhập chuỗi cung ứng khu vực và thế giới”. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản 2021 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 2-6 theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Vũ Bá Phú, Hội nghị với gần 50 doanh nghiệp tham gia giới thiệu nhiều sản phẩm tốt của Việt Nam gồm: các loại rau, củ, quả, thực phẩm khô, thủy hải sản, đồ uống..., phù hợp với nhu cầu cao của các nhà máy và người tiêu dùng Nhật Bản. Vì thế, đây là cơ hội giúp các bên trao đổi, tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau để có nhiều hợp đồng được ký kết.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Phú Thọ và Yên Bái đã chia sẻ về nguồn cung sản phẩm; trong đó, Yên Bái có lợi thế về chè, đặc biệt là chè suối Giàng, quế, tinh bột sắn, gạo nếp Tú Lệ và một số loại cá nuôi trong lòng hồ Thác Bà. Các sản phẩm của Yên Bái đều được sản xuất với quy mô lớn, chất lượng được kiểm soát gắt gao và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết: Phú Thọ có sản phẩm chè, chuối và bưởi Đoan Hùng với sản lượng lớn; gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo mô hình áp dụng công nghệ cao. Nhật Bản là thị trường lớn nên các doanh nghiệp trong tỉnh mong muốn được kết nối để đưa những sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng.

Theo ông Makoto Nakamura - chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, thị trường thực phẩm bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi có quy mô khoảng 409 tỷ USD. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản còn phục vụ thức ăn cho các khác sạn, nhà hàng khoảng 227 tỷ USD.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng trong tốp đầu thế giới về nhập khẩu thực phẩm; trong đó chủ yếu là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn nướng, rau, củ, quả từ các thị trường như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam…

Mặt khác, trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng thực phẩm, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề an toàn cho sức khỏe, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng.

Vì thế, quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản đều phải qua các bước kiểm dịch động, thực vật trước khi được thông quan. Tiếp đến kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường, sau đó hàng hóa mới được đưa vào khu vực ngoại quan làm thủ tục liên quan đến hải quan và nhận được giấy phép nhập khẩu.

Ông Makoto Nakamura chia sẻ thêm, việc kiểm tra hàng hóa bao gồm có 4 loại: kiểm tra tại thời điểm nhập khẩu theo yêu cầu của Văn phòng kiểm dịch; kiểm tra bằng máy; tự kiểm tra ở phòng thí nghiệm được chỉ định theo yêu cầu của Văn phòng kiểm dịch Nhật Bản; kiểm tra bởi Trung tâm y tế công cộng để lưu hành trên thị trường.

Riêng kiểm tra ở phòng thí nghiệm áp dụng với sản phẩm có màu và chất bảo quản nhân tạo, các chất phụ gia, kết quả kiểm tra có hiệu lực sử dụng thông quan không cần kiểm tra trong vòng 1 năm kể từ ngày có kết quả.

Về sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Makoto Nakamura khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản; trong đó, đặc biệt là hệ thống các chất phụ gia nhân tạo, có một số chất có thể được chấp nhận ở nước ngoài, nhưng Nhật Bản không được chấp nhận.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các quy định trong Luật Vệ sinh môi trường, chủ yếu liên quan đến sản phẩm bảo quản và tích trữ thực phẩm cũng như quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

Đặc biệt, trên sản phẩm phải được hiển thị rõ tên, thành phần, điều kiện bảo quản, nhà nhập khẩu, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, thông tin về dị ứng…