Chợ truyền thống bán hàng online để thích ứng

07:42, 09/09/2021

Mặc dù là địa phương khá an toàn trong các đợt bùng phát dịch COVID-19, xong trước tính chất phức tạp và khả năng lây lan của dịch bệnh khiến lượng khách đến các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. Thực tế này khiến nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống phải học cách tiếp cận với hình thức kinh doanh trực tuyến (online).

Gần 20 năm kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), bà Nguyễn Thị Thủy chưa khi nào thấy việc buôn bán lại khó khăn như hiện nay. Dịch bệnh khiến lượng người đi chợ ngày càng ít. Được người cháu hướng dẫn, bà đã tập làm quen với việc sử dụng mạng xã hội và bán hàng online. Ban đầu còn khá lúng túng, nhưng sau vài lần được cháu khích lệ, bà đã mạnh dạn đăng bán các mặt hàng của mình trên facebook, zalo. Bắt đầu với vài khách sau sau đó có thêm các khách hàng mới, số lượng người đặt mua rau, củ, quả qua kênh online ngày càng nhiều. Hiện, bình quân mỗi ngày, bà Thủy có khoảng 20 đơn hàng online. Khách mua ít hay nhiều bà đều đáp ứng, giữ nguyên giá bán như tại cửa hàng, khách chỉ cần trả thêm phí ship người giao hàng.

Cũng đã quen với việc bán hàng truyền thống “tiền trao cháo múc” nhưng vốn là người nhanh nhạy trong kinh doanh, ngay khi thấy dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, chị Ngô Ngọc Mai, bán thực phẩm tươi sống ở chợ Thái (T.P Thái Nguyên) đã học cách tạo video, ghép ảnh để đăng bán các mặt hàng lên mạng xã hội. Chị Mai chia sẻ: Dịch bệnh nên nhiều người ngại đi chợ, họ vào trang facebook của tôi xem hàng rồi nhắn tin đặt mua. Mặc dù tôi mới áp dụng bán hàng trên mạng từ cuối năm ngoái nhưng hiệu quả đến nay khá tốt. Mỗi ngày, tôi bán trên dưới 1 tạ thịt, khoảng 2-3 cỗ lòng. Tiện nữa là hôm nào chợ ế ểm, tôi đăng lên facebook kêu gọi người quen tiêu thụ giúp, thế là giải quyết được ngay.

Tiểu thương chợ sinh viên (gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) vừa bán hàng theo cách truyền thống vừa bán hàng online để thích ứng với xu thế.

Dịch bệnh cũng khiến cho hơn 1 năm nay, chợ sinh viên (gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) rơi vào cảnh vắng lặng. Chị Đỗ Lan Hà, chủ một cửa hàng quần áo tại đây cho biết: Chúng tôi chủ yếu phục vụ lượng khách là sinh viên. Giờ sinh viên không đến trường, lượng khách giảm đến 70%. 

Đó cũng là khó khăn chung của hầu hết các tiểu thương tại chợ sinh viên. Trước thực trạng đó, vào tháng 4-2021, bà Nguyễn Thị Tươi, một tiểu thương tại chợ đã tìm hiểu và mua lại trang fanpage với giá gần 10 triệu đồng. Ưu thế của trang fanpage này là đã có một lượng người theo dõi nhất định. Nhờ vậy, bà Tươi quảng bá sản phẩm được đến nhiều người hơn, bình quân mỗi tháng, cửa hàng quần áo của bà bán được hàng trăm mã sản phẩm. Chưa dừng ở đó, bà Tươi còn thuê thêm nhân viên đến livestream các sản phẩm. Cách làm này mang lại hiệu quả hơn hẳn, thậm chí cửa hàng còn bán được nhiều hàng hơn so với thời điểm trước dịch.

Chị Hoàng Thị Huế, nhân viên được bà Tươi thuê để livestream bán hàng nói: Khi livestream chủ shop không phải trả công cho em. Em bán được sản phẩm nào trong buổi livestream của mình sẽ được hưởng phần trăm của sản phẩm ấy. Coi như em được bán hàng mà không cần vốn hay đầu tư cửa hàng.

Không khó để bắt gặp các “chợ online” trên những trang mạng xã hội, như “Chợ đầu mối Túc Duyên Thái Nguyên”, “Chợ Thái - Chợ sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Nông Lâm”… Trong các “chợ online” này, thứ gì cũng có, từ rau, củ, quả, thịt, tôm, cá đến đồ ăn nấu sẵn hay quần áo, hàng gia dụng. Hàng được ship tới tận cửa và thanh toán theo hình thức chuyển khoản rất thuận lợi. Từ thực tế này có thể thấy, để thay đổi phù hợp với tình hình mới không chỉ có các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, mà bà con tiểu thương cũng đang dần bắt kịp xu thế để vừa gỡ khó cho mình, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.