“Nóng” hàng hóa phục vụ sinh hoạt, cách ly

09:12, 26/02/2022

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và gia tăng mạnh sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình phải thực hiện cách ly y tế giữa các thành viên do thuộc đối tượng F1, F0. Vì thế, nhu cầu sử dụng nhiều loại hàng hóa, thực phẩm thiết yếu gia tăng, khiến không ít mặt hàng bị đẩy giá và rơi vào tình trạng khan hiếm… Nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên ghi nhận vấn đề này trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

Chị Nguyễn Thị T, tổ 11, phường Hương Sơn, chia sẻ: Sau 10 hôm ở nhà thực hiện cách ly do liên tiếp liên quan đến F0 trong gia đình, mọi việc mua bán đều do chị gái hỗ trợ nên hôm nay tôi mới ra đến chợ. Tôi khá bất ngờ vì nhiều mặt hàng khan hiếm và tăng giá, nhất là các loại rau xanh tăng gấp 2-3 lần.

Cùng với các loại thực phẩm, các loại lá cây, hương liệu dùng để xông, nhằm hỗ trợ trong phòng, chống COVID-19 cũng được nhiều người tìm mua, khiến mặt hàng này luôn trong tình trạng đắt khách. Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả ở chợ Túc Duyên, cho biết: Những ngày qua, người dân ồ ạt mua gừng, sả, chanh về xông hơi nên chúng tôi bán rất chạy, giá cũng tăng nhiều so với trước Tết.

Cụ thể, trước Tết, gừng chỉ có giá 15 nghìn đồng/kg nay tăng 20 nghìn đồng; sả từ 10 nghìn đồng lên 15-20 nghìn đồng/kg; chanh từ 15 nghìn lên 25 nghìn đồng/kg. Nhiều người còn mua tích trữ với số lượng lớn càng tạo nên “cơn sốt” trong những ngày qua và ở mỗi chợ, giá bán lại có sự khác nhau khá đáng kể, lên tới cả chục nghìn đồng/kg tùy loại.

Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, các loại vật dụng, như: chăn, ga, gối, đệm cũng được người dân mua nhiều. Anh Nguyễn Trọng Tiến, chủ cửa hàng kinh doanh chăn, đệm ở chợ Thái, thông tin: Nếu như mọi năm, sau Tết, mặt hàng này khá ế ẩm thì năm nay, bán rất chạy. Khác với thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thời điểm này, người dân không chọn lựa, xem xét chất liệu, kiểu dáng quá kỹ càng, cẩn thận mà chỉ yêu cầu chăn, đệm đơn, hàng bình dân. Số lượng hàng bán ra của chúng tôi  tăng khoảng 20% so với trước Tết; còn giá thì tăng trung bình từ 20-80 nghìn đồng/chiếc.

Còn anh Nguyễn Trọng Quyết, chuyên kinh doanh mặt hàng đồ nhựa, phường Trưng Vương, chia sẻ: Nếu như trước đây, các khay cơm, bát tô dùng một lần chủ yếu bán cho các cửa hàng cơm bụi, thì nay, số khách mua lẻ là chủ yếu và tăng cao đột biến. Nhiều mặt hàng chúng tôi không có để bán và giá nhập cũng tăng từ 5-10%.

Đơn cử như các loại túi loại 1-2-3-5kg, trước tôi bán 40 nghìn đồng nay lên 43 nghìn đồng/kg; bát tô giấy tăng từ 190 nghìn đồng/100 cái lên 200 nghìn/100 cái; bát tô nhựa từ 70 lên 80 nghìn đồng/100 cái, nhưng hiện cả 2 loại bát này cả tuần nay không nhập được hàng. Cá biệt, loại giấy bạc dùng để bọc các đồ nướng tăng từ 560 nghìn đồng/cuộn 5kg lên 660 nghìn đồng. Một số loại túi cháy hàng, có thời điểm cả nửa tháng mới nhập được…

Giải thích về một số loại hàng hóa tăng cao, chị Nguyễn Thị Hải, một tiểu thương kinh doanh hải sản và nhiều mặt hàng khác ở phường Tân Lập, chia sẻ: Nhiều loại cá biển thời điểm sau Tết tăng khoảng 10% so với trước Tết. Nguyên nhân do thời tiết không thuận, lại thiếu lao động đi đánh bắt do là F0, F1, trong khi nhu cầu người dân lại tăng cao… Thêm vào đó, giá ship hàng cũng tăng, do thời điểm này mưa rét, dịch bệnh, giá xăng, dầu tăng...

Tuy nhiên, các loại hàng hóa thiết yếu khác như gạo, mì, dầu ăn, đồ dùng gia dụng… lại không có nhiều biến động so với trước Tết; thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá… Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, mua hàng hóa tích trữ, để không tạo nên cơn sốt giả, cũng như không để hàng bị hư hỏng, gây lãng phí, tốn kém.