Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), tính đến ngày 22-3, toàn tỉnh có gần 1.800 xe ô tô được đăng ký mới, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 66% so với năm 2019 - thời điểm chưa xuất hiện dịch COVID-19.
Thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết: Có nhiều nguyên nhân khiến lượng người mua xe mới trong quý I năm nay tăng. Thứ nhất là do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022. Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua Chính phủ ban hành chính sách này nhằm kích cầu tiêu dùng, giúp thị trường ô tô Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi, tiền vay tại các ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp cũng khiến nhiều người sẵn sàng rút tiền ra hoặc làm thủ tục vay vốn để mua xe.
Theo ông Phạm Quang Chung, Giám đốc Công ty TNHH Toyota Thái Nguyên: Trong quý I, số lượng xe của đơn vị bán ra ước đạt 400 chiếc (tăng khoảng 30 xe/tháng so với trung bình các tháng của năm 2021). Ngoài việc hãng cho ra đời nhiều mẫu xe mới thì sức mua bị kìm nén trong nhiều tháng trước đó đã khiến nhu cầu tăng bật tăng trở lại khi có điều kiện.
Ông Chung cũng chia sẻ thêm: Hiện nay, một số hãng xe do bị thiếu nguồn cung các chíp bán dẫn hoặc các linh kiện điện tử nên sản lượng xe sản xuất ra bị giảm đáng kể, mặc dù nhu cầu thị trường vẫn có. Trên thực tế, mặc dù số lượng xe bán ra có tăng so với cùng thời điểm các năm gần đây, nhưng nếu so với tổng xe tiêu thụ trong cả năm thì đây vẫn là mức trung bình.
Cũng chính vì một số dòng xe không đủ đáp ứng nhu cầu nên thời điểm này nhiều đại lý đã giảm phần ưu đãi dành cho khách. Cụ thể, nếu như trước đây, các đại lý thực hiện việc chiết khấu cho khách một tỷ lệ phần trăm nhất định trong phần chênh lệch giữa giá nhập vào với giá công bố của nhà sản xuất thì nay phần ưu đãi này đã giảm đi, thậm chí là không còn, khiến nhiều người nhầm tưởng giá ô tô đang tăng.
Khác với Toyota, việc tiêu thụ dòng xe con thương hiệu Suzuki tại Showroom Vân Đạo, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) lại đang giảm khá đáng kể, từ 10-15%. Nhưng đổi lại, dòng xe tải, nhất là xe cỡ nhỏ lại được tiêu thụ mạnh, tăng khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với một số hãng khác, như: Misubishi, VinFast hay Honda,… thời điểm này, lượng khách hàng đến mua sắm cũng hạn chế mặc dù các nhà sản xuất đã và đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, cùng với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Trái lại, đại lý của các hãng như Huyndai, Toyota…, một số dòng xe lại không có sản phẩm để bán… Khách muốn mua, phải đặt cọc trước cả tháng, thậm chí là vài tháng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Hồng Khánh, Giám đốc Showroom VinFast Vân Đạo Thái Nguyên cho hay: Cuối năm 2022, VinFast sẽ dừng sản xuất các dòng ô tô sử dụng động cơ đốt trong để tập trung phát triển dòng ô tô điện. Có lẽ thông tin này chính là nguyên nhân khiến thị trường của hãng không có nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, khác dòng xe xăng, với dòng xe điện, dù sản phẩm mới chuẩn bị tung ra thị trường nhưng đã có lượng lớn khách hàng đến đăng ký, đặt cọc để mua…
Có thể nói, cũng như nhiều mặt hàng khác, trong giai đoạn này, sức tiêu thụ đối với ô tô đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại, phần nào cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.
Và theo dự báo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), ước tính nhu cầu mua ô tô năm 2022 sẽ tăng 16% so với năm 2021.
Còn theo đại diện một số đại lý các hãng xe tại Thái Nguyên, nhiều khả năng từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới đây, giá một số loại xe sẽ tăng nhẹ từ 1-2%, do ảnh hưởng của tỷ giá USD và chi phí vận chuyển tăng cao. Cùng với đó là xu hướng sử dụng xe ô tô điện tăng…
Hiện, toàn tỉnh có 99,2 nghìn phương tiện ô tô đang được quản lý. Trong đó, ô tô con chiếm gần 61%; ô tô tải chiếm hơn 33%; ô tô khách chiếm 3,34%, còn lại là xe sơ mi rơ móc, chuyên dùng… Năm 2019, tổng số ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh là 6.266 xe; năm 2020 là 6.826 xe và năm 2021 là 7.335 xe. |