Giá dầu tăng lên mức hơn 110 USD/thùng

10:38, 14/05/2022

Cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã leo dốc quanh mốc 4% do giá xăng của Mỹ tăng cao kỷ lục và lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu thô Brent giao tháng 7 đã tăng 4,10 USD, tương đương 3,82%, lên 111,5 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 tăng 4,36 USD, tương đương 4,11%, lên 110,5 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25-3. WTI đã trải nghiệm cú hattrick tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, lần đầu tiên trong vòng ba tuần qua, Brent trải nghiệm tuần giảm giá.

Cả hai mặt hàng dầu này đã leo dốc khoảng 4% trong ngày 13-4 khi giá xăng của Mỹ tăng cao lên mức kỷ lục, Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng để giảm bớt các hạn chế kiềm chế sự lây lan của COVID-19 và các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm dầu của Nga.

Giá xăng giao sau của Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi có báo cáo kho dự trữ xăng tuần trước giảm tuần thứ 6 liên tiếp.

Robert Yawger, Giám đốc điều hành hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết không có sự gia tăng trong kho dự trữ xăng (của Mỹ) kể từ tháng 3, trong khi nhu cầu xăng dầu sẽ tăng đột biến khi mùa lái xe mùa hè bắt đầu.

Câu lạc bộ ô tô AAA cho biết giá tại trạm xăng của Mỹ ngày 13-5  đã tăng lên mức cao kỷ lục là 4,43 USD/ gallon đối với xăng và 5,56 USD đối với dầu diesel.

Theo Reuters, giá dầu biến động mạnh, được hỗ trợ bởi những lo lắng về lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga có thể thắt chặt nguồn cung nhưng bị áp lực bởi lo ngại rằng đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại có thể cắt giảm nhu cầu toàn cầu.

Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy nhận xét rằng, nếu được ban hành, lệnh cấm vận của EU có thể làm “vắng mặt” khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày. Điều này sẽ làm gián đoạn hoàn toàn và cuối cùng làm thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu, gây biến động giá cả nghiêm trọng.

Một thỏa thuận với Iran có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng/ngày cho thị trường. Ảnh minh họa: Reuters

Trong tuần, Moscow đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty năng lượng châu Âu, gây ra lo ngại về nguồn cung.

Tại Trung Quốc, các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế và các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải sẽ bắt đầu giảm bớt các hạn chế cấm đi lại và cho mở lại các cửa hàng trong tháng này.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dữ liệu và phân tích OANDA cho biết: “Giá dầu thô tăng do lạc quan rằng tình hình COVID-19 của Trung Quốc không xấu đi và do các tài sản rủi ro tăng trở lại”.

Trong khi lo ngại thiếu hụt nguồn dầu của Nga, các nhà phân tích cho biết một thỏa thuận với Iran có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng/ngày cho thị trường.