Giải pháp “hạ nhiệt” giá xăng dầu

08:08, 11/06/2022

Một trong những vấn đề thời sự “nóng” nhất hiện nay là giá xăng dầu trong nước tăng cao ở mức kỷ lục. Cử tri cả nước và nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp “hạ nhiệt” giá cả mặt hàng này, qua đó góp phần kiềm chế tình trạng lạm phát.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát. Tính tới thời điểm này, giá xăng đã tăng 6 lần liên tiếp và đang ở ngưỡng cao nhất lịch sử; gấp đôi so với năm 2020 và tăng 30% so với thời điểm đầu năm.

Điều này phả hơi “nóng” vào mọi ngóc ngách của đời sống và sản xuất. Tại phiên chất vấn mới đây của Quốc hội, vấn đề giá xăng tăng cao được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập. Đáng chú ý là ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế đang thu vào xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với xăng tương tự như rượu, bia, thuốc lá... liệu có hợp lý ?

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn, nên đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác.

Do đó, việc giảm thuế là phương án được tính đến. Tuy nhiên, việc có giảm thuế với giá xăng dầu hay không đều thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đơn cử, thuế môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, đã được cơ quan này chấp thuận giảm 2.000 đồng/lít. Việc giảm tiếp 2.000 đồng thuế môi trường trong xăng dầu hay không sẽ do Quốc hội quyết.

Tương tự, việc giảm các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chủ tịch Quộc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí của xăng, dầu xem cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, cái nào là Thường vụ Quốc hội và cái nào là của Chính phủ. Quan điểm chung là nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và giải pháp, vì giá quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng phải có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Ngoài ra, một trong những giải pháp liên quan đến giá xăng dầu được đề cập đến nữa là đẩy mạnh sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu; ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới vì các nước lân cận đang có giá cao hơn so với Việt Nam.

Điều quan trọng là cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tác động do giá xăng dầu tăng cao như ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông hay người nghèo, người thu nhập thấp…