Từ đầu năm đến nay, Báo Thái Nguyên đã phản ánh nhiều trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… bị lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý. Điều đó chứng tỏ diễn biến thị trường dịp cuối năm khá phức tạp, đồng thời cũng cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm các quy định về quản lý thị trường.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra các mặt hàng tại Siêu thị Lan Chi (TP. Thái Nguyên). Ảnh TL |
Cách đây chưa lâu, lực lượng Quản lý thị trường TP. Thái Nguyên đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn lọ sa tế của 2 chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn, một tại phường Quan Triều và một tại xã Quyết Thắng. Các sản phẩm này đều thể hiện logo không đúng tiêu chuẩn của hàng chính hãng, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa. Thời điểm kiểm tra, các cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ hợp pháp đối với số hàng hóa trên.
Một trường hợp khác, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện một hộ kinh doanh hoa quả tươi tại chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) nhập kho 1,4 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó chủ yếu là dưa vàng, lựu đỏ, táo xanh. Đặc biệt, các sản phẩm này đều có bao bì bằng chữ nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu kèm theo hàng hóa, cửa hàng không niêm yết giá…
Còn ở TP. Phổ Yên, lực lượng chức năng đã phát hiện trường hợp sở hữu 2 lô hàng có 700 bộ kit test nhanh COVID-19 được vận chuyển trên ô tô đến trung tâm thành phố để tiêu thụ. Chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhập khẩu hợp pháp.
Cũng tại TP. Phổ Yên, dịp đầu năm nay lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản thu giữ 300 tuýp thuốc nhuộm tóc nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hộ kinh doanh…
Đây chỉ là một số trong hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không niêm yết giá bán hàng hóa, vi phạm về nhãn, mác, đăng ký kinh doanh…
Riêng trong tháng 10-2022, các lực lượng đã phát hiện, xử lý trên 220 vụ vi phạm, trong đó xử lý hình sự 67 vụ, 76 bị can về tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, xử lý hành chính 157 vụ về các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Tang vật vi phạm chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như: Heroin, ma túy tổng hợp, than, khoáng sản, bánh kẹo, hoa quả tươi, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, điện tử, linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc… Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế là gần 17 tỷ đồng.
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022 và hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão. Do vậy, thị trường dịp này bắt đầu trở nên sôi động, cần phải siết chặt công tác quản lý.
Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới. Theo đó, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt các giải pháp về quản lý giá, kiềm chế lạm phát, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, tập trung vào các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, dược liệu, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Ngoài ra là cần đầy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền để nhân dân, người tiêu dùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm về thị trường để kịp thời xử lý.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin