Dịp giáp Tết, khi nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân tăng cao, cũng là lúc nhiều đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trước thực tế này, các lực lượng chức năng, trong đó có Quản lý thị trường (QLTT) đã và đang tích cực triển khai đợt kiểm tra cao điểm, nhằm góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm...
Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh N.Đ.H, ở tổ 11, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) và đã ra quyết định xử phạt 45,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT, tỉnh: Ngay từ đầu tháng 11-2022, Cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các đội về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, các đội QLTT trực thuộc đã tập trung, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm tươi sống...
Cùng với đó, lực lượng QLTT cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm ổn định thị trường phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của người dân.
Qua nắm bắt thực tế cho thấy, trên thị trường Thái Nguyên đã xuất hiện tình trạng lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, nhiều đối tượng đã trà trộn và công khai bán các mặt hàng không đảm bảo. Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm từ ngày 14/12/2022 đến ngày 5/1/2023, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, xử lý được 111 vụ vi phạm. Qua đó, thu nộp ngân sách Nhà nước 808 triệu đồng; giá trị hàng hóa vi phạm ước tính gần 1,25 tỷ đồng. Đây cũng là năm có số vụ bị xử lý và số tiền thu phạt, xử lý vi phạm hàng hóa trong đợt cao điểm lớn nhất từ trước đến nay.
Cũng theo ông Chu Quốc Khánh: Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp cao điểm cuối năm, như: quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm khác...
Trong số các trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, có thể kể đến vụ kiểm tra đột xuất kho hàng của ông C.V.H, tại tổ dân phố Xộp, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) ngày 14/12/2022. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 5.840 sản phẩm quần, áo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá trị ước tính khoảng 250 triệu đồng.
Hay vụ hơn 500kg nội tạng lợn đã bốc mùi, không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được thu mua trên địa bàn tỉnh đang được vận chuyển về tỉnh Bắc Giang tiêu thụ chiều 23/12/2022. Vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý tại huyện Phú Bình.
Hoặc một trường hợp khác là vụ thu giữ hàng trăm chiếc dùi cui 3 khúc bằng kim loại cùng nhiều hàng hóa khác không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu được phát hiện tại một kho hàng ở tổ 2, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) trong ngày 29/12/2022.
Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, các vụ vi phạm về hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp. Do đó, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, góp phần ổn định thị trường.
Song, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành tốt các quy định, chỉ nên mua những sản phẩm hàng hóa đảm bảo, tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, nhằm bảo vệ quyền lợi chính mình, cũng như cộng đồng, xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin