Trong 2 ngày (11 và 12-4), Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chỉ dẫn địa lý và chuyển đổi số cho 136 đại biểu đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh chè tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, tại 2 xã Phúc Xuân và Phúc Hà (TP. Thái Nguyên).
Đây là nội dung của Dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh do Công ty TNHH Phát triển Doanh nghiệp NTD chủ trì thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 3/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giảng viên, chuyên gia chia sẻ những nội dung: Tổng quan về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý; ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, đo lường hàng đóng gói sẵn; áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000 trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; giải pháp chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.
Hiện nay, khu vực mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” có hơn 1.370ha chè, thuộc các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà (TP. Thái Nguyên). Trong đó, diện tích trồng giống chè trung du là 161,87ha; năng suất bình quân đạt 150,7 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 20.300 tấn.
Toàn khu vực có 1 doanh nghiệp, 37 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè và 40 làng nghề chè. Hiện nay, có 45 đơn vị sản xuất, kinh doanh chè đang được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.
Hội nghị tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; đồng thời áp dụng đồng bộ công cụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kết hợp chuyển đổi số để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè gắn với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin