Việt Nam năm thứ hai liên tiếp là thị trường ô tô lớn thứ tư tại ASEAN

09:10, 11/02/2022

Việt Nam đã năm thứ hai liên tiếp vượt qua Philippines để trở thành thị trường ô tô lớn thứ tư tại ASEAN, trong bối cảnh doanh số ô tô mới tại sáu nền kinh tế lớn trong khu vực lần đầu sau ba năm đạt tăng trưởng dương.

Theo tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei, doanh số ô tô mới tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Singapore trong tháng 12-2021 là 330.000 xe (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và 15% so với tháng 11-2021). Thành quả này góp phần đáng kể vào tổng doanh số 2,79 triệu xe trong toàn năm 2021, tăng 14% so với năm 2020.

Đây là lần đầu tiên trong ba năm doanh số ô tô tại ASEAN chứng kiến tăng trưởng dương, nhờ sự gia tăng đáng kể nhu cầu ở nhiều nước trong bối cảnh những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được nới lỏng nửa cuối năm 2021.

Ở vị trí dẫn đầu, Indonesia chứng kiến năm 2021 có tới 887.202 xe ô tô các loại được người dùng mua sắm. Toyota hiện vẫn là thương hiệu bán chạy nhất tại đảo quốc Đông Nam Á này, dẫn trước Daihatsu và Mitsubishi. Mức tăng trưởng 67% đạt được nhờ các ưu đãi thuế phí. Từ tháng 3-2021, chính phủ Indonesia đã giảm thuế đối với ô tô, và mới đây đã gia hạn chính sách này đến cuối tháng 3-2022 thay vì mốc kết thúc tháng 12-2021 như kế hoạch ban đầu.

Đứng ở vị trí thứ hai là Thái Lan với doanh số bán xe mới giảm năm thứ ba liên tiếp xuống 759.119 xe (giảm 4% so với năm 2020). Dù hoạt động bán hàng tại quốc gia này đã bùng nổ trong giai đoạn đầu năm 2021 nhưng đà tăng sau đó đã bị “vô hiệu hóa” do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Toyota – vốn cũng dẫn đầu tại Thái Lan với thị phần tới 30% – nhận định, ngành công nghiệp ô tô nước này có thể tiêu thụ khoảng 860.000 xe mới tại thị trường nội địa trong năm 2022, thấp hơn mức dự báo 900.000 xe do Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia đưa ra và thấp hơn nhiều so với doanh số 1 triệu xe của năm 2019. Dự báo này cũng không hy vọng vào một sự phục hồi trước năm 2023.

Ngành sản xuất ô tô ASEAN đặt nhiều kỳ vọng vào xu hướng điện hoá, với hàng loạt các dự án đầu tư “khủng” đã được công bố.

Giống với Thái Lan, Malaysia cũng chứng kiến doanh số ô tô mới giảm 4% trong năm ngoái, đạt 508.911 xe. Trong năm nay, Hiệp hội Ô tô Malaysia tỏ ra lạc quan về khả năng tăng trưởng, dự đoán sẽ bán được khoảng 600.000 xe, tiến rất gần với mốc doanh số tiền đại dịch.

Với 300.000 xe bán ra, Việt Nam tiếp tục là thị trường ô tô mới lớn thứ tư của Đông Nam Á, vị trí vốn trước đó thuộc về Philippines trong nhiều năm. Theo báo cáo trước đó của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường nước ta năm 2021 đã tiêu thụ 304.149 xe các loại, tăng trưởng 3% so với năm 2020. Trong khi đó, Philippines năm qua tiêu thụ khoảng 280.000 xe, tăng trưởng 16%.

Tuy thị trường diễn biến khả quan trong năm 2021, thực tế chưa thể thay đổi là doanh số ô tô ASEAN hiện vẫn thấp hơn khoảng 20% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Những khó khăn chính đối với tốc độ phục hồi nằm ở tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, trong khi sức sản xuất bị kìm hãm do gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên môn tỏ ra lạc quan về tương lai của thị trường ô tô khu vực, vốn còn nhiều dư địa phát triển so với các nền kinh tế lớn khác. Cùng với đó, xu hướng điện hoá đang hiện hữu ngày càng rõ nét ở nhiều nước ASEAN đã mở ra kỳ vọng mới cho các nhà sản xuất. Hiện nay, Brunei đã có lộ trình nâng tỷ lệ ô tô điện lên 60% trong tổng số xe mới bán ra, trong khi Singapore đang theo đuổi kế hoạch loại bỏ hoàn toàn phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2040. Về phần mình, Indonesia cũng có mục tiêu trở thành “trung tâm sản xuất ô tô điện của khu vực” vào năm 2025. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế dự báo, đến năm 2025, khoảng 20% các phương tiện giao thông trên đường bộ ở Đông Nam Á sử dụng năng lượng điện, bao gồm 59 triệu xe hai và ba bánh, 8,9 triệu xe bốn bánh.