Nhật Bản: Toyota, Mazda dừng sản xuất 5 mẫu xe bị đánh giá chất lượng sai quy định

Theo HNMO 10:38, 07/06/2024

Toyota và Mazda ngày 6-6 đã tạm dừng sản xuất 5 mẫu xe có chứng nhận chất lượng không đảm bảo do quy trình kiểm tra không tuân thủ các thông số kỹ thuật mà Chính phủ Nhật Bản đã đề ra.

Nhiều mẫu xe lắp ráp tại Nhật Bản không chia sẻ kết cấu và linh kiện với khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Automotive News
Nhiều mẫu xe lắp ráp tại Nhật Bản không chia sẻ kết cấu và linh kiện với khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Automotive News

Động thái mới của hai hãng ô tô Nhật Bản diễn ra sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch nước này yêu cầu tạm dừng giao các lô xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross của Toyota, cùng xe Roadster RF và Mazda2 của Mazda.

Toyota cho biết, việc ngừng sản xuất sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối tháng 6.

Trong khi đó, Mazda cho biết chưa thể chắc chắn khi nào các nhà máy sẽ hoạt động trở lại. Hiện, sản lượng hằng năm cho ba mẫu xe Toyota đứng ở mức khoảng 130.000 chiếc, trong khi sản lượng của hai mẫu xe Mazda vào khoảng 15.000 chiếc.

Thông tin Yaris Cross bị ngừng sản xuất gây xôn xao dư luận trong nước. Về vấn đề này, Toyota Việt Nam cho biết, Yaris Cross bán ra tại Việt Nam được phát triển cho thị trường Đông Nam Á, sử dụng nền tảng DNGA của Daihatsu, nhập khẩu từ Indonesia. Trong khi đó, Yaris Cross bán tại Nhật Bản phát triển trên nền tảng TNGA của Toyota.

Vì hai mẫu xe khác nhau hoàn toàn về cấu trúc và thông số, nên Yaris Cross tại Việt Nam không ảnh hưởng bởi sự cố tại Nhật Bản, tiếp tục được giao đến tay khách hàng như bình thường.

Toyota Việt Nam cũng cho biết thêm, vấn đề lần này của Toyota Nhật Bản liên quan đến dữ liệu không đầy đủ trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe ở 3 mẫu xe đang sản xuất (Corolla Fielder/Axio và Yaris Cross), cũng như các sai sót trong phương pháp thử nghiệm va chạm và các thử nghiệm khác.

Một ví dụ được đưa ra là, khi thử nghiệm va chạm với người đi bộ, trong khi quy định của Chính phủ Nhật là góc va chạm chỉ 50 độ, thực tế, Toyota Nhật Bản đã sử dụng góc va chạm 65 độ. Toyota Nhật Bản từng khẳng định, dữ liệu thu được từ thử nghiệm là theo tiêu chuẩn an toàn cao hơn.

Về phần mình, nhiều ý kiến từ giới chuyên môn nhận định, Mazda2 lắp ráp và bán ra tại Việt Nam cũng có phần lớn linh kiện đến từ các nhà cung cấp ngoài Nhật Bản, nên khả năng cao không liên quan đến sự việc lần này. Về phần mình, THACO chưa bình luận về sự việc này.

Các thanh tra của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tới trụ sở của Suzuki tại thành phố Hamamatsu (Shizuoka, Nhật bản). Ảnh: Kyodo/Mainichi
Các thanh tra của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tới trụ sở của Suzuki tại thành phố Hamamatsu (Shizuoka, Nhật bản). Ảnh: Kyodo/Mainichi

Cũng trong ngày 6-6, đoàn công tác của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã đến thanh tra trụ sở của Suzuki ở tỉnh Shizuoka liên quan tới những bê bối làm sai lệch quy trình đánh giá nhằm đạt được chứng nhận chất lượng cho phép sản xuất hàng loạt.

Suzuki là công ty thứ ba bị thanh tra sau Toyota và Yamaha trong chiến dịch lần này của Chính phủ Nhật Bản. Về phần mình, Honda và Mazda dự kiến sẽ trải qua đợt thanh tra trong những ngày tới.