Bóc gỡ đường dây tổ chức đưa người sang Hồng Công lao động trái phép

16:55, 29/07/2007

Trong tháng tới, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ xét xử vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài xảy ra tại Kim Đức, Việt Trì (Phú Thọ). Vì lợi nhuận, các bị can đã móc nối hình thành một đường dây quy mô, hoạt động khép kín, đưa một số phụ nữ trốn đi Hồng Công (Trung Quốc) làm lao động giúp việc, trong đó nhiều người đã bị Cảnh sát Hồng Công buộc phải trục xuất về nước.

Vùng đất trung du tỉnh Phú Thọ quanh năm yên ả bỗng nhiên xôn xao bởi nguồn tin có một đường dây đưa phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Hồng Công. Trong lúc các trinh sát An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang rà soát, nắm tình hình địa bàn thì họ nhận được đơn tố cáo của hai người bị hại, tố giác Bùi Kim Sáng, sinh năm 1964, trú tại thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) lừa đưa họ sang Hồng Công trái phép để lấy tiền.

Qua xác minh, kết hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Bùi Kim Sáng về tội "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài". Từ đây đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép xuyên quốc gia, thủ đoạn tinh vi bắt đầu lộ diện.

Cầm đầu đường dây này là Đặng Thị Kim, ở Tân Trào, Kiến Thụy (Hải Phòng), từng đi làm giúp việc thuê cho một phụ nữ tên Thủy tại Hồng Công được một năm rồi bị trục xuất về nước. Mặc dù vậy, Kim vẫn liên hệ với Thủy để tổ chức đưa người sang Hồng Công làm giúp việc thuê bằng visa du lịch hợp pháp. Sau đó, Thủy bàn với Kim tìm người, tổ chức trốn theo đường bộ đi bất hợp pháp với giá 16 triệu đồng/người, sang đến Hồng Công bố trí việc làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Kim có trách nhiệm đưa người đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) còn Thủy sẽ cho người đón đưa sang Hồng Công bố trí việc làm. Thấy Thủy thu giá cao, Kim nảy sinh ý định tìm đường dây khác rẻ hơn. Nghĩ là làm, Kim gặp Tạ Thanh Hải ở thị trấn Núi Đối, Kiến Thụy (Hải Phòng) thường xuyên đi Trung Quốc buôn bán, đặt vấn đề nhờ đưa người trốn sang Hồng Công với giá 12 triệu đồng/người, sang tới nơi họ được bố trí công việc với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Ít ngày sau, Hải gặp bạn là Ngô Thị Nữ, quê ở Hà Nam, Quảng Yên (Quảng Ninh) đang cư trú ở Hồng Công về nước để tìm người đưa sang Hồng Công làm giúp việc. Nữ nhờ Hải liên hệ với Kim tìm người có nhu cầu đi Hồng Công giao cho Nữ với giá 13 triệu đồng/người. Kim đồng ý nhưng chuyến đầu tiên chỉ lấy giá 12 triệu đồng/người.

Để tìm người có nhu cầu trốn đi Hồng Công làm giúp việc, trong lần lên Công ty Hải Đăng ở TP Bắc Giang, do Lê Văn Dĩnh, ở Đồng Việt, Yên Dũng (Bắc Giang) làm giám đốc bàn việc đưa đi hợp tác lao động tại Dubai, Kim báo với Dĩnh có một đường dây đưa lao động nữ trốn sang Hồng Công theo đường bộ làm giúp việc, lương tháng 3 triệu đồng, giá một người đi là 18 triệu đồng. Để bảo đảm độ tin tưởng, Kim trực tiếp cam kết với người lao động, nếu không có việc làm hoặc bị đuổi về sẽ bồi thường 70% số tiền đã nhận. Trước đó, Dĩnh cùng các đối tượng khác tổ chức người trốn đi Hồng Công trái phép đã bị phát hiện, nên sợ, không dám nhận lời ngay.

Trong một lần gặp Dĩnh tại Công ty Hải Đăng, Nguyễn Văn Trường ở Tam Dị, Lục Nam (Bắc Giang) đặt vấn đề nhờ Dĩnh giới thiệu đường dây để Trường đưa một số lao động có nhu cầu đi làm giúp việc tại Hồng Công. Trước đó, do Kim đã đặt vấn đề, nên Dĩnh đồng ý giới thiệu cho Trường. Sở dĩ Trường gom được người có nhu cầu đi lao động ở Hồng Công thông qua Bùi Kim Sáng.

Theo thỏa thuận, Sáng tìm người giao cho Trường, giá 26 triệu đồng/người, nếu thu được hơn Sáng hưởng. Với chiêu quảng cáo là sang Hồng Công làm giúp việc lương 3 triệu đồng/tháng, giá trọn gói từ 32 đến 38 triệu đồng/người, nếu trốn không trót lọt sẽ trả lại tiền, Sáng đã bắt mối với một số lao động ở tỉnh Phú Thọ có nhu cầu đi Hồng Công, hướng dẫn họ làm hộ chiếu rồi thông báo với Trường.

Tin lời Sáng, sáu cô gái là Nguyễn Thị Hanh, Nguyễn Thị Ánh Hồng, Đào Thị Đức, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Ngọ và Ngô Thị Định đã nộp cho Sáng 181,7 triệu đồng. Để có người giúp sức, Sáng cùng Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn người lao động làm hộ chiếu phổ thông, thuê giáo viên dạy tiếng Trung Quốc và đưa đi khám sức khỏe tại bệnh viện Lâm Thao.

Do đã “nhúng chàm”, sợ phạm tội, Dĩnh không dám tham gia mà điện thoại cho Kim thông báo số lao động sắp đi, gửi hộ chiếu cho Kim và cho Trường điện thoại để liên hệ. Do nộp đủ tiền trước nên Định và Hanh được Trường đưa xuống nhà Kim. Sau khi nhận của Trường 36 triệu đồng, Kim đưa cho Hải 24 triệu đồng và Hải đưa Định, Hanh ra cửa khẩu Móng Cái bàn giao người và tiền cho Nữ.

Sau khi trốn qua cửa khẩu Móng Cái trót lọt, Nữ đưa hai cô gái đi ô-tô khách đến Sám Trăn, Quảng Đông (Trung Quốc), thuê phương tiện đưa họ vượt biển trốn sang Hồng Công nhưng bị Cảnh sát Hồng Công phát hiện, trục xuất về nước.

Theo thỏa thuận, Sáng đưa bốn cô gái còn lại giao cho Trường, Trường rủ Nguyễn Thị Thu Hương ở Tam Cường, Tam Nông (Phú Thọ) đưa xuống nhà Kim giao với giá 18 triệu đồng/người. Do Hải bận việc, Kim đã liên hệ với Thủy để đưa người sang, Thủy yêu cầu Kim chuyển phí đưa người tổng cộng 64 triệu đồng vào tài khoản của Thủy ở Hồng Công. Thủy cho người ra đón ở cửa khẩu Móng Cái, tổ chức cho lao động vượt biên trái phép theo đường bộ, đường thủy sang Hồng Công. Hiện nay Đức và Hồng bị Cảnh sát Hồng Công bắt và trục xuất về nước; còn Ngọ, Lan vẫn chưa trở về.

Ngoài phi vụ trên, Trường còn trực tiếp móc nối và bàn giao bốn người nữa để Kim tổ chức trốn đi Hồng Công, tổng cộng thu lời 36,5 triệu đồng; còn Sáng cũng “đánh lẻ”, ra giá đi Hồng Công lao động với Nguyễn Thị Đằng, Tạ Thị Đạm và Nguyễn Thị Đông, đều trú ở Lâm Thao, (Phú Thọ) từ 23 đến 38 triệu đồng, rồi giao trực tiếp cho Kim bố trí đưa đi trót lọt.

Theo lời khai của nạn nhân thì nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí phải cầm cố tài sản để vay tiền đi. Tại Móng Cái, họ được đưa sang Trung Quốc bằng giấy thông hành qua cửa khẩu hoặc đi bộ theo đường rừng. Sau vài ngày chờ đợi ở một cửa biển, họ tiếp tục được đưa xuống một thuyền đánh cá nhỏ phủ bạt kín sang Hồng Công, mỗi công đoạn này đều có người làm riêng. Riêng thị Kim đã nhận tổng cộng 255 triệu đồng giao cho Thủy và Hải, Nữ để đưa 14 lao động trốn trót lọt sang Hồng Công, thu lời bất chính 49 triệu đồng.


Cơ quan điều tra nhận định, hành vi "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" của năm bị can trong vụ án đã xâm hại trực tiếp đến công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh nói chung, chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước nói riêng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an ninh và trật tự xã hội; cần phải xét xử nghiêm minh.