''Án phạt sơ thẩm quá nặng, 26 năm tù khiến bị cáo ù tai hoa mắt…'', Nguyễn Lâm Thái ''hồn nhiên'' nói tại toà trong phần xét hỏi chiều 29/9. Bị cáo này còn ''xin nhận tội 100%'' để mong được giảm án.
Trước đó, Hội đồng xét xử thẩm vấn các giám đốc công ty do Nguyễn Lâm Thái “dựng” lên, thuộc hệ thống Tập đoàn CIP, đã lộ rõ bản chất của việc lập hàng loạt các công “ma”, nhằm tạo thuận lợi cho các bưu điện tổ chức đấu thầu, hoặc lựa chọn đối tác theo quy định.
Bị cáo Nguyễn Quang Huy, giám đốc Công ty TNHH công nghệ mới Điện tử Tin học, do Nguyễn Lâm Thái “dựng” lên, cho biết:
“Danh nghĩa là góp vốn đầu tư, nhưng thực tế, công ty không có đồng nào. Là giám đốc công ty nhưng bị cáo không được đi giao dịch, không biết nguồn hàng cung cấp cho đối tác. Mọi việc đều do Nguyễn Lâm Thái quyết định. Phận làm giám đốc, nhưng không khác gì công nhân, phải đi lắp đặt các thiết bị cho đối tác, sau khi bán được”.
Còn bị cáo Nguyễn Huy Thành, giám đốc Công ty Sao Sáng, kiêm phó giám đốc Công ty Việt Thông nói: “Có 4 hợp đồng ký với các giám đốc bưu điện, nhưng không có cái nào bị cáo trực tiếp ký!”.
Nguyễn Lâm Thái cũng thừa nhận: “Bị cáo có lập nên 5 - 6 công ty, nhưng không ai phải bỏ tiền ra cả. Tất cả đều do bên làm hộ giấy tờ kê khống lên. Còn cá nhân nào có làm thì có ăn, không có lương cố định, chỉ “ăn” theo công trình”.
Nguyễn Lâm Thái khai nhận thêm, mỗi lần đi chào hàng cho đối tác là bưu điện các tỉnh, thường mang theo 5 - 6 bộ hồ sơ. Cùng một mặt hàng, nhưng mỗi công ty do Thái lập nên, đều chào bán với các giá khác nhau, để cho đối tác “dễ lựa chọn”, hoặc hợp thức hoá vịêc đấu thầu theo quy định.
Tuy nhiên, để cho Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm qua mặt hàng loạt bưu điện các tỉnh, rồi “dính” lưới của Thái, cần phải nhìn nhận sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo bưu điện các tỉnh. Bởi nếu có sự kiểm tra đầy đủ, có thể, những công ty “ma” do Nguyễn Lâm Thái lập nên, đã không có cơ hội “bủa lưới”, để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 30/9, phiên phúc thẩm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.