“Siêu lừa” chiếm đoạt gần 150 tỷ đồng

09:39, 05/01/2010

Chỉ bằng những “chiêu” đơn giản: Vay lãi suất cao, bán đất ở những địa điểm hấp dẫn gần biển... Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc đã khiến hàng chục tỉ phú mắc bẫy.

 

Sáng 4/1, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (SN 1967, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bội, sau 2 lần hoãn xử.   

 

Mượn thì xác nhận, trả thì không (?!)

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến tháng 5/2008, bằng nhiều thủ đoạn gian dối, đưa ra các thông tin giả như: mượn tiền để kinh doanh ô tô, thuốc tây hay giới thiệu có nhiều chỗ bán hàng, lợi nhuận cao, đồng thời giới thiệu có người nhà làm ở các bệnh viện..., bà Ngọc đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 15 người, đều là những đại gia kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng.

 

Trong đó, người bị lừa nhiều nhất là bà Phạm Thị Đoàn, hơn 51 tỉ đồng; bà Hoàng Thị Kim Châu, 30 tỉ đồng; ông Nguyễn Hữu Vinh, 30 tỉ đồng;... Người bị lừa ít nhất cũng trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, số tài sản mà cơ quan điều tra tiến hành kê biên và tạm giữ được lại rất nhỏ: Chỉ có 2 lô đất ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, 1 ô tô tải loại 1,2 tấn và 698 triệu đồng.

 

Tại phần xét hỏi, bà Ngọc cho rằng bà đã trả nợ gần hết chứ không phải còn nợ số tiền trên 145 tỉ đồng như cáo trạng đã truy tố. Khi chủ tọa hỏi: “Bị cáo đã trả nợ, vậy có chứng cứ giấy xác nhận đã trả nợ hay không?”. Bà Ngọc cho rằng: “Vì tin tưởng nên bị cáo không ghi giấy trả nợ”. Chủ tọa phiên tòa cho rằng cách trả lời của bị cáo Ngọc là quá vô lý vì khi mượn tiền của người khác, Ngọc đều ghi giấy xác nhận. Hơn nữa, bị cáo Ngọc là giám đốc một công ty nên trả nợ mà không ghi giấy là điều khó tin được.

 

Bị lừa do tin tưởng?

 

Trong ngày xét xử đầu tiên, phiên tòa mới chỉ xét hỏi được 5/15 trường hợp bị bà Ngọc lừa đảo. Đối với trường hợp ông Bùi Văn Tiến bị bà Ngọc chiếm đoạt 1 tỉ đồng, bị cáo Ngọc chỉ dùng “chiêu” rất đơn giản là vay tiền với lãi suất hấp dẫn. Đầu tiên, vay số tiền nhỏ với lãi suất 2%/tháng, bà Ngọc luôn trả lãi và gốc đúng hẹn.

 

Sau đó, bà Ngọc nâng dần số tiền vay lên đến 1 tỉ đồng thì chiếm đoạt luôn. Tại tòa, bà Ngọc cho rằng số tiền 600 triệu đồng trên giấy vay ngày 10-4-2008 được phát sinh từ 2 giấy nợ ngày 21-9-2007 và ngày 11-10-2007, cộng với tiền lãi nên viết giấy nợ mới này nhưng không hủy 2 giấy nợ cũ. Chủ tọa cho rằng lời khai của bị cáo Ngọc không có cơ sở để chấp nhận.

 

Bởi khi vay, bị cáo nói để buôn bán thuốc tây, nhưng thực tế sử dụng để buôn bán nhà đất. Tương tự, trường hợp của bà Đinh Thị Thu Vân (2 tỉ đồng), bà Trần Thị Kim Phương (1,05 tỉ đồng), bà Nguyễn Thị Hoàng (5,2 tỉ đồng) cũng bị bà Ngọc dụ bán đất nhưng thực chất lại không có đất và chiếm đoạt số tiền nói trên.

 

Đặc biệt, trường hợp bà Phạm Thị Đoàn, bị lừa đến 51,196 tỉ đồng lại hời hợt đến khó tin. Bà Ngọc hứa sẽ bán cho bà Đoàn 40 chiếc ô tô Toyota Camry, với giá 32,384 tỉ đồng và nhận tiền đặt cọc 30 tỉ đồng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc vài ngày, bất ngờ, bà Ngọc thông báo với bà Đoàn là không có ô tô nên chuyển số tiền này sang chung mua lô đất 5,3 ha ở gần biển và yêu cầu bà Đoàn góp thêm 10 tỉ đồng.

 

Chờ đợi mãi không thấy đất đai gì hết nên bà Đoàn yêu cầu bà Ngọc trả lại số tiền nói trên nhưng bà Ngọc chỉ mới trả lại 1,6 tỉ đồng. “Tại sao bị Ngọc lừa mà tiếp tục giao tiền cho bị cáo?” - chủ tọa hỏi. “Do tin tưởng bị cáo Ngọc có chồng và người bà con giữ chức vụ lớn ở Bệnh viện Hoàn Mỹ nên mới tin tưởng như vậy. Ai ngờ bây giờ bị lừa” - những người bị hại đều nói như vậy tại tòa.

 

Theo những người bị bà Ngọc lừa, hầu hết số tiền cho bà Ngọc mượn đều là tiền vay từ các ngân hàng nên hiện nay nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, có nhiều gia đình phải bán nhà để trả nợ cho ngân hàng.

 

Hôm nay, 5/1, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận.