Cựu tổng giám đốc PMU 18 hầu tòa trong vụ án tham ô

07:43, 05/03/2010

Ngày 29/3, TAND Hà Nội sẽ mở phiên xử vụ tham ô trong quản lý dự án cầu Bãi Cháy liên quan hàng loạt cán bộ ngành giao thông vận tải. Đây là vụ tiêu cực thứ 3 ông Bùi Tiến Dũng "dính chàm" khi làm tổng giám đốc PMU 18.

 

Phiên xử sẽ được mở từ ngày 29/3 tới 2/4. Thẩm phán chủ tọa là bà Lê Thị Hợp. Ông Bùi Tiến Dũng đang thi hành án phạt 13 năm tù về tội đánh bạc và đưa hối lộ. Ngoài vụ án này, ông còn đang là bị can trong một vụ tiêu cực khác xảy ra tại PMU 18 (chưa xét xử).

 

Trong 10 bị cáo có 9 trường hợp bị VKSND Tối cao truy tố về tội tham ô tài sản gồm: các ông Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Vũ Nam (nguyên trưởng phòng triển khai dự án 6 - PID 6), Nguyễn Công Dũng (chuyên viên PID 6), Nghiêm Phú Sơn (phó phòng PID 6), Lê Minh Giang (phó phòng PID 5), Nguyễn Hữu Minh (kỹ sư Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, giám đốc điều hành gói thầu BC1 tại dự án cầu Bãi Cháy), Nguyễn Việt Dũng (giám đốc điều hành gói thầu BC3), Nguyễn Đức Hùng (chánh văn phòng tư vấn, dự án cầu Bãi Cháy) và Nguyễn Hữu Long (kế nhiệm Nguyễn Việt Dũng từ tháng 6/2004).

 

Riêng bị can thứ mười, ông Đỗ Kim Quý (cựu phó tổng giám đốc) bị truy tố về hành vi không tố giác tội phạm.

 

Hiện 9 bị can được tại ngoại. Riêng ông Bùi Tiến Dũng bị tạm giam.

 

Sau khoảng 3 năm điều tra, cơ quan chức năng xác định, tháng 7/1998, Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy trên quốc lộ 18 tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải được giao làm chủ đầu tư. Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) là đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và thi công dự án.

 

Dự án chia làm 3 gói thầu (BC1-BC3). Theo thỏa thuận, tại các gói thầu được sử dụng 35 nhân viên tư vấn bổ sung làm việc ở 13 chức danh trong thời gian 28-42 tháng. Tổng tiền lương cho những người này (tổng cộng 8 tỷ đồng) do nhà thầu chi trả, sau đó được PMU 18 thanh toán lại.

 

Ba gói thầu được lập 3 văn phòng điều hành cùng các bộ phận kỹ thuật riêng biệt. Nhưng tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng cho rằng nên "tiết kiệm" bằng việc sử dụng chung một văn phòng.

 

Theo cơ quan điều tra, quyết định này của người đứng đầu đại diện chủ đầu tư đã tạo điều kiện để các cán bộ có thẩm quyền ở PMU 18 lập khống số danh sách nhân viên tư vấn giám sát bổ sung nhằm rút tiền của dự án để ăn chia.

 

Chẳng hạn, tại gói thầu BC1, được giám đốc điều hành Nguyễn Hữu Minh chấp thuận, Lê Minh Giang đã "đạo diễn" lập danh sách 14 nhân viên tư vấn giám sát bổ sung, trong đó chỉ có 5 người làm việc tại hiện trường. Tổng số tiền phải trả hằng tháng cho 14 người là hơn 36 triệu đồng.

 

Từ tháng 3/2004 đến 12/2006, nhà thầu BC1 đã chi hơn 1,5 tỷ đồng tiền lương cho 14 người. Trong số đó, tiền trả cho 9 cái tên được lập khống là hơn 1,1 tỷ đồng.

 

Cơ quan điều tra cho rằng, với mánh lới trên, từ tháng 8/2003 đến 2/2006, Phạm Tiến Dũng (nguyên trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18, đã chết trong thời gian điều tra) cùng các bị can đã thông đồng với 3 nhà thầu lập khống danh sách 26 cán bộ tư vấn bổ sung, rút gần 3,5 tỷ đồng tiền lương.

 

Trong số này, PMU 18 thanh toán lại cho 3 nhà thầu gần 3,1 tỷ đồng.

 

Có tiền, các bị can chia nhau hưởng lợi cá nhân gần 1,6 tỷ đồng. Cụ thể, giám đốc điều hành BC1 Nguyễn Hữu Minh nhận 365 triệu đồng, Nguyễn Vũ Nam 75 triệu, Nguyễn Công Dũng 51,5 triệu, Lê Minh Giang 76,5 triệu... và Ban điều hành gói thầu BC3 gần 260 triệu đồng.

 

Căn cứ lời khai của những người liên quan, theo cơ quan điều tra người được hưởng nhiều nhất trong phi vụ trên là Bùi Tiến Dũng với 600 triệu đồng. Tuy nhiên, cựu tổng giám đốc PMU 18 không thừa nhận việc này.

 

Số còn lại hơn 1,8 tỷ đồng được nhóm cán bộ tại PMU 18 dùng để thanh toán những chi phí chung tại đơn vị theo chỉ đạo của tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng cùng Phạm Tiến Dũng như: tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát (200 triệu), lát gạch vỉa hè tại cơ quan (120 triệu)...

 

Tuy được xác định không tham gia vào các phi vụ ăn chia trên, nhưng cựu phó tổng giám đốc PMU 18 Đỗ Kim Quý lại vướng vòng lao lý do "không tố giác tội phạm".

 

Theo lời khai của các bị can, khoảng tháng 4/2005, trước mặt nhiều người Bùi Tiến Dũng bảo Phạm Tiến Dũng rằng: "Anh Quý sắp nghỉ hưu, chú lo cho anh ấy 500 triệu đồng". Và sau đó, khoản này đã đổ về túi của ông Quý.

 

Cựu phó tổng giám đốc này khai, khi Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng bị bắt, biết số tiền đã nhận có nguồn gốc hợp pháp rất muốn khai báo nhưng đi tố giác người đã cho tiền thì thấy áy náy nên không khai báo.

 

Hiện, ông Quý đã nộp lại 500 triệu đồng.