Còn vướng do cơ chế

07:46, 02/11/2010

Việc không thực hiện chức năng Bộ chủ quản đối với doanh nghiệp cũng như tránh sự chống chéo trong hoạt động thanh tra theo quy định đã dẫn đến việc sai phạm tại Vinashin không được phát hiện kịp thời

 

 Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước trong việc để xảy ra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), chiều 1/11, tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có những giải trình về vấn đề trên.

 

Lúng túng giám sát là do cơ chế

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng về quản lý Nhà nước, Bộ GTVT thực hiện tương đối rõ ràng, đúng theo Luật và quy định quốc tế. Tuy nhiên, với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước được phân công đối với Tập đoàn thì có một số khó khăn, lúng túng.

 

Về chức năng cùng với các bộ khác giám sát đầu tư đối với Tập đoàn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ cũng đã phát hiện một số vấn đề tại Vinashin và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề phát hiện chậm và nhiều vấn đề không phát hiện được (trong đó có những vấn đề cố ý làm trái quy định). Ông Dũng thừa nhận đây là khuyết điểm của Bộ GTVT.

 

Tuy nhiên ông Dũng cũng cho rằng, có nhiều lúng túng trong chức năng giám sát đầu tư do cơ chế, bởi từ khi có Nghị quyết về đổi mới doanh nghiệp, chúng ta không thực hiện chức năng Bộ chủ quản, mà chỉ là chức năng quản lý ngành đối với doanh nghiệp. Trong chức năng quản lý ngành này có một vấn đề quan trọng là chấm dứt tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. “Ranh giới giữa quản lý Nhà nước; đại diện chủ sở hữu ở một số nội dung và ranh giới không can thiệp và quyền chủ động cho HĐQT của tập đoàn khi thực hiện nhiệm vụ được giao làm chúng tôi lúng túng”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận.

 

Hơn 11 lần thanh tra, giám sát không phát hiện hết yếu kém cũng do cơ chế

 

Trả lời ý kiến cho rằng, tại sao qua hơn 11 lần thanh tra, kiểm toán, giám sát mà không phát hiện được yếu kém, vi phạm của Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, những cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát này do nhiều cơ quan chức năng thực hiện chứ không chỉ riêng có hoạt động của Thanh tra Chính phủ.

 

Pháp luật quy định, trách nhiệm của các cơ quan khác nhau chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác nhau. Pháp luật cũng chưa quy định cơ quan nào phải thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện. Trong khi đó, kiểm toán và thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì phải tránh sự chồng chéo nên chưa tiến hành thanh tra toàn diện. Đây chính là vấn đề mà Chính phủ đã kiểm điểm là có trách nhiệm trong việc quản lý và có một phần là do lỗi của cơ chế.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng cho rằng, chúng ta chưa có sự phân định trách nhiệm một cách rõ ràng, do vậy, rất nhiều cơ quan vào thanh tra, kiểm tra Vinashin, nhưng mỗi cơ quan chỉ làm một khía cạnh, khó có cơ quan nào có thể tiến hành một cuộc thanh tra toàn diện ngay từ đầu.

 

Ông Truyền cũng cho biết, qua hơn 11 cuộc thanh tra, kiểm toán, giám sát thì đều có phát hiện ra vấn đề vi phạm của Vinashin về hoạt động, sử dụng vốn, về tổ chức các công ty con, về đầu tư ra ngoài ngành không đúng với quy định của pháp luật. Một số cuộc thanh tra, kiểm tra được báo cáo lên Chính phủ, một số cuộc đã đề nghị đến cơ quan chức năng và lãnh đạo của Vinashin. Thủ tướng Chính phủ cũng đã xem xét chỉ đạo và yêu cầu Vinashin phải chấn chỉnh kịp thời, nhất là vấn đề mua sắm tài sản và đầu tư ra ngoài ngành, nhưng đáng tiếc lãnh đạo Vinashin không chấp hành đúng.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế để phúc tra, kiểm tra lại, đặc biệt là các chế tài xử lý các vi phạm này cũng không quy định cho các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra phải trực tiếp xử lý.

 

Trả lời vấn đề Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gì với những vi phạm của Vinashin và tại sao Thanh tra Chính phủ không tiến hành hoạt động thanh tra toàn diện, ông Truyền cho rằng: Trong hoạt động thanh tra, pháp luật đã quy định, thanh tra ở mỗi cấp là do cơ quan hành chính cùng cấp lập ra, cơ quan hành chính có quyền quyết định giao nhiệm vụ và có quyền kết luận việc thanh tra đó. Cơ quan thanh tra cấp trên không có quyền kiểm tra và đánh giá lại hoặc là sửa lại các kết luận cơ quan thanh tra cấp dưới, mà chỉ hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ cho ý kiến khi cấp dưới có ý kiến khác nhau mà cấp dưới báo cáo lên. Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ cũng khó có thể đánh giá được các hoạt động của thanh tra cấp dưới, nếu thanh tra cấp dưới không báo cáo và không xin ý kiến.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, với trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình và đã 3 lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đến khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào xem xét, kết luận vụ việc ở Vinashin, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa tiến hành được một cuộc thanh tra toàn diện.

 

Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, tăng cường quản lý đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, ông Truyền cho rằng, ngoài việc xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý nói chung, cần điều chỉnh lại cơ chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, làm sao theo hướng có những cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp và có những cơ quan chịu trách nhiệm gián tiếp hoặc là chịu trách nhiệm từng bộ phận một cách minh bạch, rõ ràng thì mới có thể nâng cao được hiệu quả của hoạt động thanh tra.

 

Ngày 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011./.