"Chăm con cháu vất vả mấy tôi cũng chịu đựng được nhưng hễ bà thông gia nói kháy tôi lại sôi máu không thể kìm được", nữ phạm nhân 78 tuổi kể.
Mang án chung thân khi đã ở tuổi "gần đất xa trời", bà Nguyễn Thị Đường trở thành phạm nhân đặc biệt ở trại Phú Sơn. Khó nhọc bước ra từ nhà giam, thả mình bên chiếc ghế bạc màu, bà buồn bã kể về đường vào tù tội.
Lão phạm nhân cho biết con gái bà lấy chồng, kinh tế không khá giả. Chàng rể thường xuyên đi làm ăn xa. Thương con vất vả sau khi sinh nở, bà bỏ nhà cửa ở Thái Nguyên đến đỡ đần chăm sóc hai cháu.
Trong lúc ở đây, giữa bà và bà thông gia (sống bên cạnh) liên tục xảy ra va chạm. "Chăm con cháu vất vả mấy tôi cũng chịu đựng được nhưng hễ bà thông gia nói kháy tôi lại sôi máu không thể kìm được, ức lắm. Thương con nên tôi đành ngậm đắng nuốt cay", bà kể.
Nữ phạm nhân tóc bạc bảo, nhiều lần từ câu nói của mẹ chồng, con gái bà đã bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay... Một lần bà tức giận bỏ về nhà, nhưng không đành lòng nhìn con gái vất vả, người mẹ già đã quay lại.
Quan hệ giữa hai bà thông gia càng thêm căng thẳng. "Bà ấy không thích tôi ở đây. Đi ra bà chửi, đi vào bà ấy chửi. Ai đời là thông gia với nhau lại đi nói tôi là con chó, đuổi rồi nhưng còn quanh quẩn...", phạm nhân 78 tuổi nói.
Bà Đường bảo không dám to tiếng vì nghĩ thương cháu và con gái, song trong lòng rất uất ức. Nhiều đêm không ngủ được, người đàn bà nông dân bỗng nảy sinh ý định sát hại thông gia. Sáng 9/9/1999, bà đi chợ mua một gói thuốc chuột.
Ba ngày tiếp theo, sau những "tiếng bấc tiếng chì" của mẹ con rể, bà Đường lén sang nhà bà này đổ thuốc chuột vào nồi cơm nguội. Trưa hôm đó, bà thông gia và con trai đã bị trúng độc và tử vong.
Hoảng sợ, bà Đường kể lại sự việc cho con gái và con rể rồi đến trụ sở UBND xã tự thú. Xác định đây là vụ giết người với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, song xét bà Đường tuổi già, cùng một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt khác TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án phạt chung thân.
Những ngày đầu mới nhập trại, bà Đường vẫn thường xuyên ra đồng gánh cỏ làm rau. Nhưng vài năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu lão bà không còn phải lao động. "Cái tuổi này tôi lắm chứng bệnh, nhiều khi bê bát cơm chẳng nổi... Giờ nghĩ lại thấy ân hận và tủi thân lắm", bà Đường nghẹn giọng.
Sau hơn chục năm thụ án tù, nữ phạm nhân 78 tuổi bảo chỉ mong sao được một lần nhìn con cháu tề tựu đông đủ để có "đi xa" cũng thấy yên lòng.