Thi hành án dân sự vẫn nhiều khó khăn

11:11, 15/12/2010

Án dân sự tồn đọng từ những năm trước chuyển sang chưa giải quyết hết thì số án dồn đến từ tòa án, án ủy thác thi hành gia tăng nên vấn đề thi hành án dân sự trên địa bàn T.P Thái Nguyên tiếp tục nóng bỏng. Đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, số tiền phải thi hành trong các vụ án dân sự tăng vọt nhưng nhiều vụ án không đủ điều kiện thi hành dẫn tới bức xúc, khiếu kiện kéo dài…

Trong năm 2010, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên phải thụ lý tổng số 4.028 vụ việc với tổng số tiền, tài sản cần thi hành là trên 108,7 tỷ đồng (chiếm  gần 45% số vụ việc (vv) và 30% tổng số tiền phải thi hành của toàn tỉnh). Trong đó, án tồn đọng từ những năm trước chuyển sang là 2.438 vv, án thụ lý mới là 1.540 vv. Để giải quyết lượng án nêu trên, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp tổ chức xét miễn giảm thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án; phân công các chấp hành viên phụ trách phường, xã để giải quyết vụ việc dựa trên năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm với công việc của từng người; những vụ việc phức tạp do trực tiếp lãnh đạo Chi cục phối hợp với chấp hành viên có kinh nghiệm thực hiện…

 

Với những giải pháp nêu trên, trong năm 2010, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên đã thi hành xong 1.760 vv trong tổng số án có điều kiện thi hành, đạt 87,5% kế hoạch; tổ chức miễn giảm thi hành án được 141 vv. Kết quả trên đã vượt 7,6% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp đề ra và giảm án tồn đọng được 12%  so với kế hoạch. Tuy nhiên, đơn vị này đang gặp phải chồng chất khó khăn do số án tồn đọng phải chuyển sang năm 2011 là 2.153 vv, với số tiền phải thi hành là trên 66,42 tỷ đồng. Trong có gần 50% số vv không đủ điều kiện thi hành như: Người bị thi hành án không còn tài sản hoặc tài sản có tranh chấp; bản án dân sự sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị…

 

Đồng chí Hoàng Văn Võ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên cho biết: “Số vụ việc mà người bị hành án tình nguyện TH chỉ chiếm khoảng 1%, còn lại là cơ quan TH án phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mới thực hiện được. Riêng trong năm nay, chúng tôi đã phải cưỡng chế tới 59 vv. Để hoàn thành công tác chuyên môn được giao, lãnh đạo đơn vị đã bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn và các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn khác để cố gắng giải quyết án tồn đọng mỗi năm được 10% trở lên, giải quyết triệt để số vụ việc thụ lý mới có đủ điều kiện thi hành án. Mặc dù cố gằng như vậy nhưng để giải quyết hết được số án dân sự trên địa bàn thì chúng tôi chưa dám nghĩ tới…”.

 

Ngoài lượng án dân sự rất lớn cần phải TH thì hiện nay, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên đang phải tập trung giải quyết nhiều đơn khiếu kiện của người được hành án, người bị TH án do chưa đồng tình với kết quả của bản án hay vấn đề tẩu tán tài sản để trốn tránh TH án… Có vụ việc bản án đã hiệu lực, cơ quan thi hành án đã lên kế hoạch, bố trí lực lượng để cưỡng chế thi TH nhưng cơ quan tố tụng cấp trên lại có công văn đề nghị tạm dừng thi hành án do người có quyền lợi liên quan kháng án hoặc những nguyên nhân khác. Sự phức tạp này khiến cơ quan TH án lúng túng, mất nhiều thời gian, công sức mà công việc không được giải quyết.

 

Vẫn theo đồng chí Hoàng Văn Võ, để công tác thi hành án dân sự được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đạt kết quả cao thì ngoài sự nỗ lực của đơn vị rất cần có sự thống nhất cao của các cơ quan tố tụng. Bởi TH án dân sự là khâu cuối cùng trong hoạt động tố tụng nên nếu việc làm này không được thực hiện nghiêm túc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật; không bảo hợp pháp được quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân…