Lần sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 (tạm gọi là BLHS sửa đổi), được đánh giá là rất nhiều điểm tiến bộ. Theo đó, đã bỏ hình phạt tử hình với 8 tội; không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy; nghiêm khắc hơn với tội phạm về đất đai... Sau đây là nội dung trả lời của chuyên gia pháp lý cho một số nội dung mà bạn đọc quan tâm.
- Xin cho biết 8 tội danh được BLHS sửa đổi bãi bỏ án tử hình với người nhận hối lộ. Các điều khoản có lợi trong BLHS sửa đổi đối với các tội danh bãi bỏ án tử hình được áp dụng ra sao?
- Theo BLHS sửa đổi, chỉ bỏ án tử hình với 8 tội danh gồm: hiếp dâm; buôn lậu; lừa đảo; làm, tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép ma túy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; đưa hối lộ; hủy hoại vũ khí quân dụng... Tuy nhiên, Quốc hội vẫn giữ án tử cho tội nhận hối lộ. Việc này phù hợp với quyết tâm chống tham nhũng của Nhà nước.
Đặc biệt, kể từ đầu tháng 7/2009 - ngay sau khi Chủ tịch nước công bố luật (không phải chờ đến thời hạn 1/1/2010), mức án cao nhất của 8 loại tội trên chỉ đến chung thân, các cơ quan tố tụng không áp dụng hình phạt tử hình với họ nữa. Trường hợp Tòa đã tuyên án tử hình với 8 loại tội này mà chưa thi hành, Chánh án TANDTC sẽ chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân cho họ. Nói cách khác, bị án nào thuộc diện nêu trên mà chưa bị thi hành án thì thoát chết. Đây là nguyên tắc áp dụng có lợi cho người phạm tội.
- BLHS sửa đổi không xem người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm nữa. Các cơ quan tố tụng xử lý những người đã lỡ sử dụng ma túy bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án như thế nào?
- Trước đây, chúng ta xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không nhiều nhưng là cách nhìn chưa chuẩn. Vì thế, trong lần sửa đổi này, chúng ta xem họ là nạn nhân chứ không phải tội phạm nên không xử lý hình sự nữa. Đây là cách nhìn nhân đạo của BLHS sửa đổi.
Với tinh thần của Nghị quyết 33của Quốc hội về thi hành BLHS sửa đổi, kể từ sau ngày 29/6, các cơ quan tố tụng sẽ không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy (có thể áp dụng biện pháp khác như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục...).
Trường hợp vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang tạm đình chỉ thi hành án thì họ được miễn chấp hành hình phạt còn lại, nếu chưa chấp hành hình phạt sẽ được miễn chấp hành. Nếu ai đó bị cơ quan tố tụng bắt chỉ vì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì họ được trả tự do, xóa án tích. Và cần khẳng định là những trường hợp được trả tự do nói trên là do chuyển biến của tình hình chứ không phải họ bị oan.
- BLHS sửa đổi cũng nâng mức định lượng tiền một số tội liên quan đến tài sản. Nếu ai đó có hành vi phạm tội mà định lượng này chưa đủ theo BLHS sửa đổi thì giải quyết như thế nào?
- Trong BLHS sửa đổi có đến 15 loại tội liên quan đến định lượng tiền đã được sửa đổi theo hướng nâng lên nhiều lần. Ví dụ: Với các tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản; hủy hoại tài sản; lừa đảo, tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; đưa, nhận, môi giới hối lộ..., trước đây chỉ chiếm đoạt tài sản 500 ngàn đồng là có thể bị xử lý hình sự, nay BLHS sửa đổi yêu cầu phải là 2 triệu đồng trở lên.
Cần lưu ý là bên cạnh yếu tố định lượng 2 triệu đồng còn có các yếu tố định tội khác như gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nếu có một trong các yếu tố đó thì dù có chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng vẫn bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, BLHS sửa đổi còn điều chỉnh mức định lượng với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đây chỉ cần chiếm đoạt 1 triệu đồng là có thể bị xử lý hình sự thì nay quy định thành 4 triệu đồng. Tội chiếm giữ trái phép tài sản, BLHS sửa đổi nâng mức vi phạm để truy cứu từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng. Tội trốn thuế nâng mức tiền trốn thuế từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng mới xử lý hình sự.
Một bổ sung quan trọng trong tội đánh bạc là BLHS sửa đổi đã chỉ rõ số tiền đánh bạc cụ thể là phải từ 2 triệu đồng trở lên mới có thể bị xử lý hình sự, trong khi trước đây chỉ nêu chung chung là “có giá trị lớn”. Với tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, BLHS sửa đổi nêu rõ phải là tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép mới bị xử lý hình sự.
Đây là bổ sung quan trọng, chấm dứt việc tranh cãi tại sao không xử lý hình sự các tổ chức đánh bạc, gá bạc hợp pháp (nhiều trò chơi như đua ngựa, đua chó, dự đoán có thưởng... thực chất là đang tổ chức đánh bạc, gá bạc).
- Liên quan đến tội phạm về đất đai, BLHS sửa đổi được cho là có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Xin cho biết cụ thể về nội dung này?
- BLHS năm 1999 quy định: Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự (Điều 174). Chính yếu tố “đã bị xử lý kỷ luật” nên nhiều trường hợp không thể xử lý hình sự cán bộ có hành vi vi phạm.
Theo BLHS sửa đổi, chỉ cần có một trong các trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng; đất có diện tích lớn hoặc giá trị lớn; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, nếu mức án cao nhất của tội này trong BLHS năm 1999 chỉ 7 năm tù thì BLHS sửa đổi nâng lên đến 12 năm tù. BLHS sửa đổi cũng nâng hình phạt bổ sung cho loại tội này lên 100 triệu đồng (BLHS năm 1999 chỉ 50 triệu đồng).