Tiến công, ngăn chặn tội phạm ma túy xâm nhập vùng biên giới Quảng Trị, Gia Lai

14:09, 17/02/2013

Hành lang kinh tế Ðông - Tây có chiều dài 1.450 km đi qua bốn nước Mi-an-ma, Thái-lan, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam, hành lang kinh tế Ðông - Tây đi qua tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và TP Ðà Nẵng, trong đó có hai tỉnh giáp biên giới với Lào, tổng chiều dài hơn 290 km.

Toàn biên giới có tám cửa khẩu, trong đó có một cửa khẩu quốc tế, ba cửa khẩu quốc gia và bốn cửa khẩu phụ cùng hàng trăm đường tiểu mạch, hàng nghìn đường mòn qua lại biên giới. Ðây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy lợi dụng buôn bán ma túy giữa các nước trên tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây.

 

Thời gian gần đây, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy tại khu vực miền trung và các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Ðông - Tây của Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất phạm tội ngày càng manh động và nguy hiểm hơn. Do tác động từ đặc điểm địa lý các vùng giáp biên thường có địa hình hiểm trở, núi cao, rừng sâu, giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, đó là điều kiện thuận lợi để tội phạm buôn bán ma túy lợi dụng hoạt động. Ðặc biệt, tội phạm ma túy đã xâm nhập vùng sâu, vùng xa, lôi kéo con em đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tay, vận chuyển và tìm đối tượng tiêu thụ. Hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 8/10 huyện, thị xã, thành phố có tệ nạn ma túy, với 767 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 115 đối tượng so với năm 2011. Trên tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây, có từ 55 đến 70 tụ điểm và từ đây hình thành hàng chục, hàng trăm tuyến đường vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam. Hê-rô-in, ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện được vận chuyển qua biên giới đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Hầu hết các đường dây vận chuyển vào Việt Nam đều có vũ trang và trang bị phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

 

Xuất phát từ tình hình trên, các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây đã hợp tác phòng, chống ma túy và trao đổi thông tin về các biện pháp ngăn chặn tội phạm ma túy, thực thi pháp luật, kỹ thuật điều tra, khám xét và bắt giữ tội phạm cũng như áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác đấu tranh với các chuyên án ma túy cụ thể. Ðối với Quảng Trị, cuộc chiến chống ma túy xâm nhập qua biên giới là cuộc chiến cam go, phức tạp nhưng với sự nỗ lực của các ngành chức năng nên đã đạt được một số kết quả tích cực, đánh trúng nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô tương đối lớn. Năm 2012, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã đấu tranh thành công 60 vụ, gồm 101 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (Lào) đấu tranh thành công ba chuyên án buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ, bắt giữ bảy đối tượng quốc tịch Lào, tang vật thu giữ 30.000 viên ma túy tổng hợp, hai xe ô-tô, một xe máy, sáu điện thoại di động. Lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện và bắt giữ 40 vụ, gồm 64 đối tượng, thu giữ 24,33 gam hê-rô-in, 19.961 viên ma túy tổng hợp, sáu kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể và dạng đá, ba xe ô-tô, bốn xe mô-tô, ba súng quân dụng, một quả lựu đạn, hai dao găm, 145.000 USD và 550 triệu đồng. Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị bắt giữ, bàn giao cho cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý nhiều vụ liên quan ma túy.

 

Do nhận thức và đánh giá đúng tính chất và tầm quan trọng của công tác phối hợp phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới cho nên lực lượng phòng, chống ma túy tỉnh Quảng Trị và các tỉnh cùng chung biên giới nước bạn Lào đã duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới và tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây.

 

Tuy nhiên, hiệu quả hợp tác phòng, chống ma túy qua biên giới vẫn còn một số hạn chế do các tỉnh giáp biên giới chưa xây dựng được quy chế phối hợp, công tác giao ban giữa các lực lượng chức năng chưa được duy trì thường xuyên, việc qua lại biên giới của lực lượng chức năng còn khó khăn về thủ tục ngoại giao. Mặt khác, pháp luật giữa các nước có nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là chính sách hình sự đối với tội phạm ma túy vì vậy quan điểm xử lý, công tác phối hợp đấu tranh còn nhiều điểm khác biệt, gây trở ngại, nhất là trong phối hợp bắt, xử lý các đối tượng cầm đầu, đối tượng truy nã và đối tượng phạm tội ma túy đang lẩn trốn trên lãnh thổ của nhau. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác tuyên truyền về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cũng như nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng; nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là đối với các địa bàn có nguy cơ ma túy xâm nhập mạnh. Lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có sự phân công, phân nhiệm từ khi mở chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đến khi kết thúc vụ án. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các tỉnh nước bạn Lào có chung đường biên giới để nắm bắt thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy lùi tình trạng ma túy xâm nhập vào nội địa. Nắm bắt, điều tra xử lý các điểm mua bán ma túy nhỏ lẻ trên địa bàn là nơi cung cấp ma túy cho con nghiện...

 

Trong thời gian gần đây, tội phạm ma túy ở địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai đang có chiều hướng gia tăng ở cả hai nhóm đối tượng buôn bán và sử dụng. Hầu hết lượng ma túy có trên địa bàn các xã biên giới của Gia Lai đều từ trong nước mang lên, cung cấp cho con nghiện; ma túy thường được "xé lẻ" bán cho con nghiện hoặc con nghiện đến các địa bàn lân cận mua về.

 

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng số lượng người tạm trú tạm vắng trên địa bàn biên giới của tỉnh Gia Lai thời gian gần đây, song chủ yếu vẫn từ nguồn các công trình thủy điện, xây dựng hạ tầng nông thôn và lao động thời vụ cho các doanh nghiệp trồng cao-su dọc vành đai biên giới. Vào những lúc cao điểm, không dưới vài chục nghìn người đến làm ăn ở bảy xã biên giới thuộc ba huyện Ðức Cơ, Ia Grai và Chư Prông. Họ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, chủ yếu vẫn là từ các tỉnh phía bắc, nghề nghiệp không ổn định, nhiều người trong số này thậm chí không đăng ký tạm trú - tạm vắng, đến và đi không theo quy luật nào, lại thường xuyên thay đổi địa bàn cho nên rất khó quản lý. Ðó là chưa kể, trà trộn vào số này là hàng loạt đối tượng tội phạm trốn lệnh truy nã, đối tượng tiền án tiền sự, trộm cắp, nghiện hút...

 

Theo cơ quan chức năng, năm 2009 trên khu vực biên giới chỉ có chín đối tượng nghiện ma túy, đến năm 2012 đã có gần 50 đối tượng. Ðây là những con nghiện đã bị "điểm mặt chỉ tên" tập trung ở địa bàn ba xã Ia O (huyện Ia Grai) và Ia Dom, Ia Nan (huyện Ðức Cơ). Trên thực tế và tùy vào từng thời điểm, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Ðó là chưa nói đến những con nghiện hiện đang sống ở bên kia biên giới thuộc tỉnh Rat-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) mà theo cơ quan chức năng Việt Nam nắm được hiện có khoảng 35 đối tượng. Sự gia tăng đối tượng nghiện ma túy luôn tỷ lệ thuận với nạn trộm cắp, kéo bè, lập nhóm gây mất an ninh nông thôn. Ðáng lo ngại hơn, tệ nạn này đã kéo theo những thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số vốn hiền lành, chăm chỉ. Hoạt động mang tính chất nhỏ lẻ, song tội phạm ma túy trên vùng biên giới của tỉnh Gia Lai đang có chiều hướng ngày càng phức tạp và không loại trừ khả năng ma túy có thể tuồn qua biên giới, cung cấp "hàng" cho con nghiện ở ngoài biên giới, hoặc theo chiều ngược lại. Ðặc biệt, khu vực Cửa khẩu Ô-za-Ðao (Cam-pu-chia) giáp Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được phía nước bạn xây dựng trở thành trung tâm kinh tế mở với một số loại hình dịch vụ khá nhạy cảm như, kinh doanh sòng bạc, trường gà...

 

Trung tá Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (PCTPMT) Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: Trong hai năm 2011 và 2012, Phòng đã bắt giữ hàng chục vụ có liên quan về tội phạm ma túy. Ðiển hình vụ bắt giữ tên Nguyễn Quý Năng (SN 1976) ở Cổ Loa, Ðông Anh, Hà Nội, lên khu vực biên giới thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai cung cấp ma túy cho các con nghiện tại chỗ. Dưới vỏ bọc là một thợ mộc có tay nghề chuyên làm hàng mỹ nghệ mang đi bán khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, Nguyễn Quý Năng đã năm lần mang "hàng trắng" từ vùng nội địa lên cung cấp cho các đối tượng nghiện ngập trên địa bàn. Tinh vi hơn, hắn còn làm giả một số loại giấy tờ mạo danh là quân nhân để đối phó các cơ quan chức năng khi cần thiết. Gần đây nhất, ngày 22-11-2012 trinh sát Phòng PCTPMT Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp trinh sát Ðồn Biên phòng Pô Cô và tổ công tác của đoàn Ðặc nhiệm miền trung tiến hành bắt giữ đối tượng Nguyễn Thành Ðô (SN 1991, thường trú tại khối phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) tại khu vực làng O, xã Ia O, khi đối tượng trên đường đi mua ma túy trở về. Khám xét người đối tượng, các trinh sát đã thu giữ sáu gói giấy vở học sinh bên trong là hê-rô-in. Từ những thông tin ban đầu khai thác được từ tên Ðô, tổ đánh án tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, câu lưu đối tượng và đến ngày 23-11, đã bắt giữ được Nguyễn Quốc Dân (SN 1995) người đã bán ma túy cho Ðô khi đối tượng đang đi giao hàng.

 

Trước những diễn biến có chiều hướng phức tạp của tội phạm ma túy trên địa bàn, các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng công an tại các địa bàn trong nước và chính quyền các địa phương xác minh dấu hiệu nghi vấn, tổ chức sàng lọc địa bàn, xác định rõ từng đối tượng nghiện hút. Bên cạnh đó, lực lượng PCTPMT Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng nước bạn Cam-pu-chia tổ chức điều tra, khảo sát số đối tượng Việt kiều đang sinh sống tại thị xã Ban Lung, tỉnh Rat-ta-na-ki-ri có dấu hiệu sử dụng chất ma túy, bảo đảm đánh nhanh và trúng đối tượng khi tội phạm ma túy xuất hiện trên khu vực biên giới.