Nghị định 72: Hành lang minh bạch cho internet phát triển

14:42, 02/08/2013

Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm tạo hành lang minh bạch để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng cho biết tại cuộc họp báo giới thiệu Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vào chiều 31-7. 

 

Nghị định bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ và thông tin lên mạng internet theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh thông tin trên mạng, cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý về internet.

 

“Việc xác định khung pháp lý rõ ràng công khai minh bạch theo đúng Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển hạ tầng viễn thông và internet tại Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.

 

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Nghị định 72 cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với sự phát triển của thực tế phát triển internet tại Việt Nam.

 

Phối hợp ngăn chặn các trang tin mạo danh

 

Về vấn đề xử lý các trang tin mạo danh tổ chức, cá nhân và phát tán các thông tin sai lệch, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, đây là công việc cần sự kết hợp và nỗ lực của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như và cả cộng đồng chứ không đơn thuần là xử lý hành chính hay chặn bằng các biện pháp kỹ thuật một cách đơn thuần.

 

Theo Thứ trưởng, môi trường internet giống như một xã hội thu nhỏ, vì có đến 2 tỷ trong số 7 tỷ người trên thế giới sử dụng internet. Giống như cuộc đời thực, xã hội xuất hiện những vi phạm nào thì môi trường internet cũng vậy. Để đấu tranh các thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật thì một trong những biện pháp quan trọng đó là sự nỗ lực của cộng đồng cơ quan truyền thông nhằm cung cấp những thông tin chính thống, cũng như ý thức của chính bản thân những người sử dụng để định hướng, chọn lọc các thông tin đúng và lành mạnh trên internet. Ngoài ra, cũng rất cần những biện pháp giáo dục qua nhà trường, xã hội để người sử dụng hướng đến những thông tin tốt trên internet.

 

Cũng theo Thứ trưởng Thắng, nhiều trang web có nội dung xuyên tạc có nguồn gốc từ nước ngoài. Do vậy, việc xử lý, ngăn chặn các trang tin loại này ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

 

Đề ra nguyên tắc chung quản lý thông tin xuyên biên giới

 

Một trong những nội dung điểm mới của Nghị định 72 là quy định về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới ngay tại Điều 22: "Các tổ chức, cá nhân, khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan".

 

Trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam như mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Google…, nhưng không bị quản lý cũng nwh không đóng góp về thuế cho Việt Nam, thì quy định của điều 22 được cho là điểm mới góp phần lấp được “lỗ hổng” trong các quy định cũ.

 

Về những quy định này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng Nghị định 72 mới đề ra nguyên tắc chung nhất. Chính phủ đã giao cho Bộ TT-TT xây dựng Thông tư hướng dẫn các nội dung về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên nguyên tắc tuân thủ Nghị định, Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như tham khảo quy định của các quốc gia về vấn đề này. Dự thảo thông tư sẽ sớm được hoàn thành và sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp cũng đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.

 

Trả lời câu hỏi về việc cấp phép cho mạng xã hội, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay việc cấp phép này chỉ điều chỉnh đối với doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam, chứ không điều chỉnh với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

 

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, hiện tại Bộ TT-TT đang xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong cả hai lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và CNTT và Báo chí xuất bản và thông tin điện tử.

 

Theo kế hoạch, ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ trong thời gian sắp tới, và đây là sẽ là căn cứ pháp lý để xử phạt các vi phạm liên quan tới cung cấp các nội dung thông tin trên internet.

 

Nghị định 72 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15-7, gồm sáu chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ internet, tài nguyên internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng.